Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nghị chống biến đổi khí hậu bất đồng vì tiền

Các quốc gia đang phát triển cảnh báo quá trình đàm phán của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu sẽ thất bại nếu vấn đề hỗ trợ tài chính hàng trăm tỷ USD không được giải quyết.

Ảnh: AP
Lãnh đạo các nước tham dự COP21 tại Paris ngày 30/11. Ảnh: AP

Các nhà đàm phán từ 195 quốc gia trên thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris của Pháp. Họ bàn về hiệp định cắt giảm khí thải nhà kính, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiệt độ trái đất nóng lên.

Nghị định chính thức có hiệu lực từ năm 2020 khi nghị định thư Kyodo hết hạn. Nó tập trung vào việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí gas – nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu của thế giới hiện nay. Thỏa thuận cũng nhắm mục tiêu giảm nạn chặt phá rừng nhiệt đới.

Theo Nozipho Mxakato-Diseko, nhà đàm phán của Nam Phi, đại diện cho nhóm G77 (gồm 134 nước đang phát triển và mới nổi, cùng Trung Quốc), việc giải đáp những thắc mắc về tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn là vấn đề sống còn.

“Rõ ràng tài chính là vấn đề quan trọng”, AFP dẫn lời bà Mxakato-Diseko nói.

Theo đó, một số quốc gia giàu cần hỗ trợ các nước đang phát triển hàng trăm tỷ USD từ năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, thỏa thuận tài chính vẫn chưa được ký. Các quốc gia đang phát triển cảnh báo, tiến trình đàm phán của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu sẽ thất bại nếu vấn đề hỗ trợ tài chính không được giải quyết.

Tại hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi một số nền kinh tế hàng đầu thế giới tôn trọng cam kết tài chính mà họ từng đưa ra tại hội nghị lớn nhất về khí hậu cách đây 6 năm. “Tôi đã nói với lãnh đạo các nước phát triển rằng họ cần thực hiện các cam kết. Đây là lời hứa rất quan trọng”, AFP dẫn lời ông nói.

Theo ông Ban Ki Moon, Mỹ sẽ huy động mức hỗ trợ tài chính 100 triệu USD cho các quốc gia đang phát triển để chống biến đổi khí hậu trước năm 2020. Cho tới nay, số tiền hỗ trợ của nền kinh tế hàng đầu thế giới là 62 triệu USD.

Cần ngừng đổ lỗi lẫn nhau và chung tay

"Cây gió" tạo ra điện với lá là bộ turbine nhỏ được đặt ở khu vực diễn ra hội nghị COP21 tại Le Bourget, gần Paris, ngày 3/12. Ảnh: AFP

Hơn 150 nhà lãnh đạo thế giới, gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama tham gia COP21, từ ngày 30/11 tới 11/12. Tuy nhiên, sau 3 ngày thảo luận sôi nổi về bản dự thảo của hiệp định dài 54 trang, họ mới chỉ công bố một tài liệu gồm 50 trang và chưa có sự đồng thuận của các bên.

Trong khi đó, các bên tham dự COP21 đổ lỗi lẫn nhau về trách nhiệm trước tình trạng nóng lên của trái đất. Những nước đang phát triển cho rằng một số quốc gia lớn phải chịu trách nhiệm nhiều nhất. Bởi họ là đối tượng thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.

Một số nước giàu phản bác và nhấn mạnh, các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng gây ô nhiễm.

Đại diện của Na Uy, Aslak Brun, cho biết họ đã gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục tất cả các bên. Ông cho rằng việc các nước đổ lỗi lẫn nhau sẽ không giúp thế giới giải quyết vấn đề. Điều cần làm là họ phải đẩy nhanh quá trình chống biến đổi khí hậu.

Trọng tâm trong các cuộc đàm phán chủ yếu bàn về mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng tối đa 2 độ C so với thời điểm trước cuộc cách mạng công nghiệp.

Giới khoa học cảnh báo con người không còn thời gian để ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực từ sự nóng lên của trái đất. Họ cho rằng mức phát thải khí carbon đều đặn như hiện nay sẽ khiến mực nước biển tăng, lũ lụt ngày càng tồi tệ, bão và hạn hán nghiêm trọng. Tất cả hiện tượng này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, bệnh tật và vô gia cư.

James Hansen, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về khí hậu, cảnh báo rằng trái đất tăng thêm 2 độ C sẽ kéo theo rủi ro lớn.

“Trái đất ấm lên 2 độ C sẽ đưa chúng ta trở lại thời kỳ băng hà cuối cùng. Khi đó, mực nước biển cao thêm 9 m. Nếu tình trạng băng tan không ổn định, thế giới sẽ mất kiểm soát vì hậu quả kinh tế từ hiện tượng này vô cùng lớn”, ông nhấn mạnh.

'2015 là năm quyết định đối với tương lai nhân loại'

Các nhà kinh tế và chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới nhận định 2015 là năm nhân loại có cơ hội tốt nhất để bảo đảm tương lai an toàn, ổn định cho thế hệ sau.

Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam

Hàng loạt sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng đang tan và thực trạng đó có thể gây nên tác động xấu đối với Việt Nam và nhiều nước châu Á khác.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm