Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'2015 là năm quyết định đối với tương lai nhân loại'

Các nhà kinh tế và chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới nhận định 2015 là năm nhân loại có cơ hội tốt nhất để bảo đảm tương lai an toàn, ổn định cho thế hệ sau.

Ảnh minh họa: Earthtimes.org
Giới quan sát kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Paris sẽ tạo ra thành tựu đột phá trong cuộc chiến chống hiệu ứng nhà kính. Ảnh minh họa: earthtimes.org

Quan chức và chuyên gia từ hơn 150 nước đang tập trung tại Paris từ ngày 30/11 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP21). Mục tiêu của các đoàn đàm phán là ký kết một hiệp định có khả năng ngăn đà tăng nhiệt độ của trái đất dưới mức 2 độ C.

Trước khi COP21 diễn ra, Liên minh Trái đất, một nhóm gồm 17 nhà khoa học và nhà kinh tế khắp thế giới, ra Tuyên bố Trái đất" để kêu gọi các nước chặn đà tăng nhiệt trên địa cầu, Sputnik đưa tin. Jeffrey Sachs và Lord Stern, hai nhà kinh tế lừng danh thế giới, là thành viên của Liên minh Trái đất.

Trong "Tuyên bố Trái đất", các nhà nghiên cứu đề xuất kế hoạch 8 điểm để hạn chế tác động của con người đối với trái đất, trong khi tăng áp lực đối với chính phủ để họ thực thi mọi biện pháp khả thi trong việc giảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.

"Chúng ta nên cố gắng để mức tăng nhiệt độ càng thấp hơn 2 độ C càng tốt, vì mức 2 độ C sẽ gây nên tổn thất lớn và tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với khả năng nhiệt độ toàn cầu tăng thêm khoảng 4 độ C vào năm 2100, một xu hướng có thể tạo ra những thách thức môi trường khó kiểm soát", tuyên bố nhấn mạnh.

Nhóm chuyên gia cảnh báo rằng loài người phải hành động quyết liệt để giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thay thế chúng bằng những nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn.

Jeffrey Sachs, nhà kinh tế đang giữ chức Giám đốc Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia tại Mỹ, chỉ trích một số tập đoàn năng lượng lớn sau khi họ công bố một báo cáo để kêu gọi chính phủ Mỹ khai thác dầu và khí đốt ở vùng cực. Ông nhận định việc đó là mối họa đối với địa cầu.

Giới quan sát cho rằng Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Paris là cơ hội tốt nhất để có thể tạo ra một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto, văn kiện sẽ hết hiệu lực vào năm 2020.

Johan Rockstrom, chủ tịch Liên minh Trái đất, nhận định 2015 là một trong những năm quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại đối với việc quyết định tương lai của 9 tới 10 tỷ người trên trái đất trong thế kỷ tới.

Để nhân loại có thể tiến tới một tương lai an toàn và ổn định hơn, tiến sĩ Rockstrom cho rằng con người phải thay đổi cách khai thác và sử dụng năng lượng. Ông cảnh báo rằng nếu chúng ta không thay đổi, khả năng nhiệt độ trái đất tăng thêm 6 độ C vào năm 2100 sẽ là 10%.

"Với mức tăng 6 độ C, tôi nghĩ rằng ngay cả những người hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận rằng đó là viễn cảnh đáng sợ", ông nói.

Vị tiến sĩ giải thích rằng, nếu nhiệt độ tăng thêm 6 độ C, trái đất sẽ không còn khả năng bảo vệ nền văn minh.

Người phụ nữ chỉ huy cuộc chiến cứu trái đất

Với vóc dáng nhỏ nhắn, Christiana Figueres, thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, gây ấn tượng bởi phong cách nói chuyện mạnh mẽ, khoa học và hài hước.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm