Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ chỉ huy cuộc chiến cứu trái đất

Với vóc dáng nhỏ nhắn, Christiana Figueres, thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, gây ấn tượng bởi phong cách nói chuyện mạnh mẽ, khoa học và hài hước.

Những văn phòng của cơ quan phụ trách biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại thành phố Bonn, Đức hướng về một đoạn của sông Rhine. Cách đó không xa, người ta có thể thấy tòa nhà mà các nhà lãnh đạo thế giới từng ký Kế hoạch Marshall vào năm 1948 để phục hồi châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Kế hoạch Marshall – cơ chế để Mỹ viện trợ hàng tỷ USD cho nỗ lực tái thiết các nền kinh tế châu Âu – có vai trò quan trọng đối với quá trình tạo ra châu Âu hiện đại và kiến tạo lại nền kinh tế thế giới. Thay vì những biện pháp trừng phạt và trả thù dành cho Đức như hiệp ước Versailles sau Thế chiến thứ nhất, Kế hoạch Marshall là công cụ để các nước hàn gắn vết thương chiến tranh và hỗ trợ tài chính. Nó là thông điệp về hy vọng, chứ không phải nỗi sợ hãi.

Christiana Figueres, thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, đảm nhận nhiệm vụ lớn lao giống như Kế hoạch Marshall. Bà chịu trách nhiệm về phản ứng của thế giới đối với hiện tượng ấm lên toàn cầu, Guardian đưa tin. Hiện tượng ấm lên toàn cầu là mối họa có thể gây hậu quả thảm khốc hơn mọi thiên tai mà nhân loại từng chứng kiến, song cũng diễn ra chậm đến nỗi các chính phủ và công chúng hầu như không để ý tới nó trong suốt 3 thập kỷ qua.

Sinh ra tại Costa Rica vào ngày 7/8/1956, Christiana Figueres là con gái của Jose Figueres Ferrer, người từng giữ chức ​tổng thống Costa Rica ​3 lần. Mẹ của bà là đại sứ Costa Rica tại Israel vào năm 1982 và là thành viên Quốc hội trong giai đoạn 1990-1994.

Christiana tốt nghiệp ngành nhân chủng học ở Mỹ sau đó sống tại một làng hẻo lánh ở Costa Rica một năm. Trong thời gian ở đây, bà thiết kế chương trình xóa mù chữ rất phù hợp với văn hóa địa phương. Bộ Giáo dục Costa Rica sử dụng chương trình của bà trong nhiều năm. Từ năm 1995, bà là thành viên của đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu của Costa Rica. Bà trở thành “Tư lệnh về biến đổi khí hậu” của Liên Hợp Quốc từ ngày 17/5/2010.

Christiana Figueres
Christiana Figueres từng tham gia vào quá trình soạn thảo Nghị định thư Kyoto khi bà là thành viên của đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu của Costa Rica. Ảnh: Un.org

Hôm 30/11, hơn 150 nhà lãnh đạo thế giới tới Paris để dự Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) nhằm tạo ra một thỏa thuận toàn cầu mới về giảm khí thải. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng hiệp định mới sẽ hiệu quả và tạo ra thay đổi sâu sắc như Kế hoạch Marshall. Nó sẽ làm giảm lượng khí thải carbon trong tương lai, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho những nước nghèo – đối tượng sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng trái đất ấm lên.

Tầm quan trọng của COP21 lớn hơn nhiều so với sự tưởng tượng của nhiều người. Hơn 20 năm đã trôi qua từ khi các chính phủ phối hợp để kiểm soát lượng khí thải và đối phó biến đổi khí hậu. Nhưng trong suốt khoảng thời gian ấy, lượng khí thải tiếp tục tăng mạnh theo từng năm, và chỉ giảm trong một thời gian ngắn nhờ cuộc khủng hoảng tài chính.

Vào năm 1992, khi các nước ký kết Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để giảm đà tăng của nhiệt độ trái đất, nồng độ carbon trong không khí đạt khoảng 356 phần triệu. Phần lớn carbon hồi đó xuất hiện trong bầu khí quyển từ thời kỳ Cách mạng Công nghiệp. Giờ đây con số đó là 398 phần triệu – không còn quá xa ngưỡng nguy hiểm 450 phần triệu mà giới khoa học đặt ra. Theo các nhà nghiên cứu, nếu nồng độ carbon đạt mức 450 phần triệu, khí hậu trái đất sẽ thay đổi toàn diện và không thể đảo ngược – tạo nên những hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ, hạn hán, nắng nóng. Khi đó nhiều vùng rộng lớn trên hành tinh sẽ không thể hỗ trợ cuộc sống của con người.

Kết quả của vô số nỗ lực quốc tế về biến đổi khí hậu chỉ là một hiệp định không hiệu quả và thường bị các nước phớt lờ. Nếu xét về lượng carbon mà bầu khí quyển tiếp nhận hàng năm, thành tựu của thế giới chỉ là con số không.

Đương nhiên Christiana Figueres hiểu rõ thực tế ấy. Khi người ta hỏi lý do khiến bà theo đuổi lĩnh vực biến đổi khí hậu, bà kể câu chuyện về một loài cóc vàng đã tuyệt chủng tại Costa Rica vào năm 1989. Hiện nay Figueres treo hình một con cóc vàng trong văn phòng của bà tại Bonn.

“Tôi thấy con cóc vàng khi tôi chỉ là một bé gái. Nhưng khi tôi có hai con gái nhỏ, loài đó không còn tồn tại. Thực tế ấy khiến tôi nhận ra rằng chúng ta đang để lại cho thế hệ sau một hành tinh ngày càng nghèo nàn bởi sự cẩu thả và khinh suất của chúng ta. Vì suy nghĩ như vậy mà tôi dấn thân vào lĩnh vực biến đổi khí hậu”, bà thổ lộ.

Với thân hình nhỏ nhắn, Figueres đối đáp thẳng thắn, trực tiếp và suy nghĩ rất nhanh. Bà trả lời mọi câu hỏi ngay lập tức với những cú vung tay mạnh mẽ, số liệu chính xác và kết luận nhanh. Đôi khi bà dùng những ngôn từ hài hước để trả lời câu hỏi. Trong các cuộc đàm phán về khí hậu, bà luôn tập trung cao độ dù những người xung quanh di chuyển và gây tiếng ồn.

Nhưng với COP21, Figueres tỏ ra thoải mái hơn. “Từ nhiều tháng qua chúng tôi không còn đặt câu hỏi về việc liệu các nước sẽ đạt được thỏa thuận tại Paris hay không. Giờ đây chúng tôi chỉ nghĩ tới câu hỏi: Tham vọng của thỏa thuận tại Paris sẽ lớn tới mức nào? Hồi đầu năm nay, khi tôi bắt đầu nói về việc thế giới sắp có một hiệp định khí hậu, nhiều người tỏ ra hoài nghi. Nhưng giờ đây tôi nghĩ mọi người đã chấp nhận một điều: Chúng ta sắp có một thỏa thuận vì chúng ta đã có đủ quyết tâm chính trị và quyết tâm ấy ngày càng lớn”, bà nhận định.

Lãnh đạo thế giới đau đầu với 'mối đe dọa lớn hơn khủng bố'

Trong tuần tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tụ họp tại Paris để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mối đe dọa mà Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả “còn lớn hơn khủng bố”.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm