Cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ là trọng tâm thảo luận của các nhà lãnh đạo ở COP21. Ảnh: Getty |
Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP21) sắp diễn ra tại Paris trong bối cảnh thủ đô nước Pháp vừa rúng động bởi loạt vụ khủng bố đẫm máu làm 130 người thiệt mạng. Khủng bố và biến đổi khí hậu đang thực sự là mối lo toàn cầu. Trong phát biểu hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng: “Biến đổi khí hậu đang trở thành mối nguy còn lớn hơn khủng bố”, Wall Street Journal đưa tin.
Gần 200 nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại Paris trong đầu tháng 12 để bàn thảo các phương án làm giảm biến đổi khí hậu. Tới năm 2025, Mỹ cam kết giảm 26% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005. Các quốc gia khác như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết giảm khí thải. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính giữa các quốc gia chưa thực sự đồng đều.
Các chuyên gia dự đoán, lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Những nước đang phát triển khác cũng “tích cực” thải ra môi trường lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm trái đất nóng lên. Hiện tại, đây là những nguồn thải khí nhà kính lớn nhất.
Lượng khí thải carbon mà các quốc gia cần cắt giảm sẽ trở thành trọng tâm đàm phán giữa các quốc gia dự COP21. Nếu các nhà lãnh đạo không tìm được sự đồng thuận, nhiệt độ trái đất sẽ tăng tới hơn 4 độ C vào năm 2100. Riêng Paris, nơi dự kiến diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, có thể tăng tới gần 4 độ vào cuối thế kỷ này.
Người ta dường như không thể nhận thấy những gì đang diễn ra với nhiệt độ trái đất vì chúng tăng rất chậm. Ngay cả khi hiện tượng El Nino đạt đến kỷ lục, thế giới mới chỉ tăng 0,9 độ C so với 35 năm trước đó. Tuy nhiên, từ những năm 1990, phân nửa các nhà khoa học đều đồng thuận rằng nóng lên toàn cầu đang xảy ra và họ nghiêm túc về những tác động của nó.
Nói thẳng, biến đổi khí hậu và tác động của nó không thể nhìn thấy sớm trước khi nó xảy ra. Trong khi đó, việc cắt giảm khí thải carbon tốn nhiều tiền hơn so với chúng ta hi vọng. Nó đặt ra loạt thách thức với COP21 để tìm ra được một thỏa thuận mới mang tầm quốc tế, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Những năm trước, vấn đề kinh tế, khủng bố và an ninh toàn cầu luôn làm lu mờ chương trình nghị sự về khí hậu. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại đáng kể trong 2 thập kỷ qua càng làm giảm mối quan tâm của cộng đồng và áp lực chính trị ở hầu hết các quốc gia. Nó tạo ra quãng thời gian quý báu để các chính phủ trì hoãn.
Trong khi quy chuẩn về môi trường của các nước trên thế giới khác nhau. Việc đầu tư mạnh vào việc cắt giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất công nghiệp có thể làm giảm khả năng cạnh tranh. Chính quyền Obama đang đòi cơ chế minh bạch quy mô toàn cầu và đòi hỏi sự tự nguyện cả các nước đã và đang phát triển. Tuy nhiên, các nhiều nước phản đối kế hoạch này.
Các nước cũng tranh cãi về định nghĩa nước phát triển và đang phát triển. Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia dẫn đầu nhóm “các nước đang phát triển” đang nỗ lực chống lại kế hoạch của Mỹ và EU. Họ đòi Mỹ chi 100 tỷ USD mỗi năm cho quỹ hoạt động về khí hậu như cam kết của tổng thống Obama tại Copenhagen, Đan Mạch năm 2009.
Có thể nhận thấy, Nghị định thư Paris cần giải quyết các vấn đề nan giải, tạo ra sự bình đẳng và ràng buộc pháp lý với tất cả các bên tham gia về vấn đề môi trường. Nó cũng phải linh hoạt, được xây dựng trên tinh thần tự nguyện của các nước và có thể được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với những diễn biến về khí hậu trong vài thập kỷ tới.