Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pháp huy động 120.000 cảnh sát bảo vệ an ninh COP21

Pháp cấm biểu tình, khuyến cáo người dân không đi xe riêng, huy động 120.000 nhân viên an ninh bảo vệ cho Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris từ ngày 30/11.

Lực lượng an ninh tuần tra đường phố nước Pháp 2 tuần sau vụ khủng bố Paris. Ảnh: motherjones.com

“Không, không, không! COP21 sẽ diễn ra”, đó là câu trả lời của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khi được hỏi rằng liệu Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu có bị thay đổi hoặc hoãn lại sau vụ khủng bố liên hoàn tại Paris ngày 13/11 hay không.

Theo CNN, Pháp đã triển khai 2.800 cảnh sát và hiến binh nhằm đảm bảo an ninh ở Le Bourget, phía bắc thủ đô Paris, địa điểm tổ chức ​Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP21). Hơn 150 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới và 40.000 quan sát viên, thành viên các đoàn sẽ tới đây để dự hội nghị.

Khoảng 8.000 cảnh sát được triển khai tại khu vực biên giới trong 11 ngày diễn ra COP21 để kiểm soát xe cộ đi vào biên giới nước Pháp. Theo Bộ Nội vụ, tổng cộng 120.000 cảnh sát và hiến binh được huy động trên toàn nước Pháp để đảm bảo an toàn cho hội nghị.​

Mối đe dọa lớn nhất không phải ở khu vực Le Bourget. Nơi đây khá khép kín và chia thành 3 địa điểm chính, những khu vực công cộng cách xa trung tâm hội nghị, chỉ cho phép các đại biểu và nhà báo ra vào.

“Mọi thứ đã được chuẩn bị để tối đa hóa an ninh tại nơi diễn ra hội nghị và các khu vực xung quanh”, ông Bernard Cazeneuve Bộ trưởng Nội vụ Pháp, nói.

Pháp cũng cấm người dân tiến hành các cuộc biểu tình, tuần hành trên toàn lãnh thổ. Lực lượng an ninh ngăn chặn hai cuộc tuần hành vì khí hậu dự trù diễn ra ngày 29/11, trước ngày khai mạc hội nghị COP21 và ngày 12/12, sau ngày bế mạc. Giới chức sẽ phạt nặng những người không tuân thủ lệnh cấm.

Các tuyến đường dẫn tới sân bay lớn ở Paris sẽ bị phong tỏa. Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve cũng kêu gọi người dân thủ đô không sử dụng xe riêng trong những ngày này. Tất cả phương tiện giao thông công cộng miễn phí giá vé từ trưa 29/11 đến tối 30/11 để giúp giảm tắc nghẽn. Xe buýt và tàu điện ngầm tại Paris bổ sung 70.000 chỗ ngồi với chi phí ước tính khoảng 10 triệu USD. Các công ty nhận lệnh hoãn giao hàng và nhân viên được làm việc tại nhà.

Lực lượng an ninh Pháp được tăng cường trên cả nước để đảm bảo an toàn cho hội nghị. Ảnh: Getty

Đầu tháng này, chính phủ Pháp cũng tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới trước khi COP21 diễn ra bởi lo ngại nguy cơ khủng bố nếu việc kiểm soát tại biên giới lỏng lẻo. Thông thường, biên giới Pháp mở cửa bởi Pháp là một trong những quốc gia tham gia Hiệp ước Schengen về tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU).

Sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện một loạt cuộc tấn công và nói rằng Paris là mục tiêu đầu tiên trong chuỗi những âm mưu khủng bố, chính phủ Pháp tăng cường kiểm soát biên giới đồng thời tiếp tục tiến hành các cuộc rà soát và bắt giữ chiến binh cực đoan nhằm phá vỡ các âm mưu khủng bố. Theo ông Cazeneuve, giới chức nước này đã bắt hơn 300 phần tử cực đoan từ ngày 13/11 và hiện vẫn giam giữ 200 người.

Hội nghị COP21 có sự tham dự của 143 vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Trước giờ khai mạc, các lãnh đạo thế giới sẽ dành một phút mặc niệm các nạn nhân những vụ khủng bố ngày 13/11 ở Paris.​

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đang tăng cường nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có biến đổi khí hậu. Hội nghị của Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển bền vững tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 6/1992 đã thông qua Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Công ước UNFCCC). Đây được coi là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên làm cơ sở cho hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

COP21 nhằm thảo luận để xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới, dự kiến sẽ thông qua Thỏa thuận Paris 2015 và áp dụng từ sau năm 2020 cho tất cả các quốc gia. Việt Nam tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết của chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Lực lượng an ninh Pháp bất lực trước khủng bố?

Các vụ tấn công khủng bố xảy ra liên tiếp với quy mô ngày càng lớn bất chấp những biện pháp tăng cường an ninh đặt ra câu hỏi về năng lực của lực lượng an ninh Pháp.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm