Cảnh sát Pháp tuần tra trên đường phố Paris sau khi xảy ra vụ tấn công liên hoàn đêm 13/11. Ảnh: CNN |
Đêm 13/11, nước Pháp rúng động trước vụ tấn công liên hoàn xảy ra tại 7 điểm ở thủ đô Paris. Đại diện cảnh sát Pháp nói với CNN rằng, ít nhất 158 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Sự kiện chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ trở lại đây kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.
Trước khi xảy ra sự kiện đêm 13/11, nước Pháp từng hứng chịu vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo khiến 20 người thiệt mạng cùng 22 trường hợp bị thương. Trong tháng 4 và tháng 6, nước Pháp lại xảy ra hai vụ tấn công khủng bố khác khiến hai người thiệt mạng. Đặc biệt, vụ chặt đầu tại nhà máy ở Saint-Quentin-Fallavier đặc trưng kiểu tấn công man rợ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sau vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn Charlie Hebdo, chính quyền Pháp đã tuyên bố thắt chặt an ninh trên cả nước để tránh lặp lại thảm kịch. Đến tháng 4, các quan chức Pháp thông báo nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 4 tỷ euro trong vòng 4 năm tới nhằm đáp ứng các thách thức an ninh mới.
Nhiệm vụ bất khả thi
Đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố GIGN của Hiến binh Pháp. Ảnh: Wikipedia |
Các vụ tấn công khủng bố xảy ra liên tiếp với quy mô ngày càng lớn bất chấp những biện pháp tăng cường an ninh đặt ra những câu hỏi về năng lực của an ninh Pháp. Sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo, chính quyền đã huy động 7.000 nhân viên tập trung vào các vấn đề đảm bảo an ninh nội địa.
Đánh giá về kế hoạch tăng cường lực lượng của chính quyền Pháp, Richard Barrett, cựu sĩ quan tình báo Anh nói với Newsweek rằng, việc tăng cường lực lượng không thể ngăn chặn tất cả các âm mưu khủng bố trên khắp nước Pháp.
“Bạn không thể theo dõi mọi người liên tục 24 giờ mỗi tuần và không thể chắc chắn những người bạn theo dõi có thể tạo ra mối đe dọa nào đó”, ông nói. Theo số liệu của Trung tâm Quốc tế Vương quốc Anh, 1.200 công dân Pháp đã rời đất nước để gia nhập IS ở Iraq và Syria từ năm 2012.
Lực lượng an ninh Pháp vẫn chưa thể nắm hết danh sách những công dân nước này ra nước ngoài và đầu quân cho IS. Những công dân Pháp từ lò đào tạo của IS có thể trở về nước và gây ra các vụ tấn công đẫm máu.
Tình báo Pháp và các đồng nghiệp ở châu Âu đã tính đến kịch bản sự trở về của những công dân châu Âu từ IS, nhưng họ không thể kiểm soát hết mọi người do chính sách đi lại tự do giữa các nước liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, các phần tử khủng bố có thể trà trộn vào dòng người di cư đến châu Âu khiến việc theo dõi chúng gần như là không thể.
Những thiếu sót của an ninh Pháp
Đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố RAID thuộc cảnh sát Pháp. Ảnh: Aawsat |
Sau vụ tấn công khủng bố ở tòa soạn Charlie Hebdo, các chuyên gia an ninh đã cảnh báo về sự “bất lực” của lực lượng an ninh Pháp trong việc ngăn chặn âm mưu khủng bố tiếp theo. Nhà phân tích Anshel Pfeffer, phóng viên kỳ cựu của báo Haaretz (một trong những từ báo lâu đời nhất Israel) đã chỉ ra những thiếu sót của an ninh Pháp.
Phân bổ nguồn lực: Theo các số liệu không chính thức, khoảng 1.200 công dân Pháp đang chiến đấu trong hàng ngũ IS và con số này tiếp tục tăng. Hàng nghìn tay súng IS là công dân Pháp có thể trở về nước và Paris không đủ nguồn lực để theo dõi từng người trong số đó.
Chính phủ Pháp cần khẩn trương phân bổ nguồn lực để theo dõi sát sao những công dân nước này trong hàng ngũ IS.
Bỏ qua thế hệ chiến binh thánh chiến cũ: Anh em nhà Kouachi, chủ mưu trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo là tín đồ của nhà truyền giáo cực đoan Farid Benyettou cư ngụ tại quân 19, thủ đô Paris. Anh em nhà Kouachi cũng từng tiếp xúc với Djamel Beghal, một thành viên cao cấp của Al Qaeda trước khi xảy ra sự kiện 11/9.
Năm 2005, Beghal bị kết án 10 năm tù, nhưng trong trại giam hắn ta tiếp tục truyền hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan cho những tù nhân khác. Chính quyền Pháp dường như đã tập trung quá nhiều vào thế hệ chiến binh thánh chiến mới từ Syria và Iraq mà bỏ qua mối đe dọa từ các thành viên cũ của Al Qaeda.
Các nhà tù bị cực đoan hóa: Cuối những năm 1980, Pháp thông qua luật cho phép bỏ tù bất kỳ ai bị nghi ngờ có dính líu đến các kế hoạch khủng bố, ngay cả khi họ không làm gì để phục vụ cho kế hoạch nếu có. Ở thời điểm đó, mỗi nhà tù có ít nhất 100 người đàn ông bị giam vì liên quan đến âm mưu khủng bố.
Nhiều người trong số họ là những thanh niên hiền lành, nhưng thời gian ở tù tiếp xúc với nhiều thanh niên Hồi giáo biến họ thành những phần tử cực đoan. Cherif Kouachi là một ví dụ điển hình trong số đó.
Sự hợp tác giữa các đơn vị yếu: Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất lực của an ninh Pháp trước các âm mưu khủng bố. Đối với nhiệm vụ chống khủng bố, sự hợp tác giữa cơ quan tình báo và đơn vị chống khủng bố đóng vai trò quyết định. Nhưng sự hợp tác này ở Pháp không thực sự tốt.
Pháp có hai đơn vị chống khủng bố GIGN của Hiến binh và RAID thuộc Cảnh sát. Tuy nhiên, trong các vụ khủng bố đẫm máu vừa qua, hai đơn vị này chỉ xuất hiện tại hiện trường khi sự việc đã xảy ra.
Khi các lỗ hổng an ninh chưa được khắc phục thì nước Pháp lại rúng động trước vụ tấn công đẫm máu đêm 13/11. Nước Pháp cần có cuộc “đại cải tổ” lực lượng an ninh nếu không muốn lặp lại thảm kịch, ông Pfeffer nhấn mạnh.
|