Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những vụ tấn công nghiêm trọng xảy ra tại Pháp

Hầu hết các vụ tấn công nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng, diễn ra tại Pháp, đều liên quan đến vấn đề tôn giáo.

Cảnh sát pháp y làm việc tại hiện trường vụ xả súng khiến 4 người thiệt mạng hồi tháng 3/2012. Ảnh: AFP

Tháng 3/2012

Mohamed Merah, một người Pháp gốc Algeria, thực hiện 3 cuộc tấn công liên hoàn tại thủ đô Paris. Theo AP, ​hôm 11/3/2012, Mohamed Merah​ hạ sát một lính dù Pháp bên ngoài một trung tâm thể dục ở thành phố Toulouse. 4 ngày sau, 2 binh sĩ Pháp khác thiệt mạng tại thị trấn Montauban, cách thành phố Toulouse không xa. Hôm 19/3/2012, Merah bắn chết một thầy giáo và 3 học sinh tại trường Do Thái Ozar Hatorah.

Nicolas Sarkozy, tổng thống Pháp khi đó, gọi ngày 19/3 là ngày "thảm kịch quốc gia", đồng thời tuyên bố sẽ tìm ra kẻ gây nên cả 3 cuộc tấn công.

Sau đó, Merah bị bắn chết trong quá trình cảnh sát vây bắt nghi phạm tại nhà riêng.

Tháng 5/2013

Nghi phạm Alexandre Dhaussy (phải) tấn công một binh sĩ Pháp ngày 23/5/2013. Ảnh: AFP

Ngày 23/5/2013, Alexandre Dhaussy, một người cải sang đạo Hồi, đâm vào cổ một binh sĩ Pháp tại khu vực La Defense ở thành phố Paris. Người lính này may mắn sống sót sau vụ tấn công, Reuters đưa tin.

Công tố viên Francois Molins cho biết: “Ý định giết người của hung thủ rất rõ ràng. Nghi can đã đâm nhiều lần mà không hề ngần ngại. Y đâm rất mạnh”. Ông cho hay, Dhaussy thực hiện hành vi này một mình và dựa trên niềm tin vào tôn giáo.

Tháng 12/2014

Một đối tượng cầm dao người Pháp sinh ra tại Burundi tấn công một sở cảnh sát tại khu vực Joue-les-Tours gần thành phố Tours. Kẻ tấn công liên tục hét câu "Allahu Akbar" (tạm dịch "Thánh Alla vĩ đại") từ lúc lao vào trụ sở cảnh sát cho đến khi bị bắn chết. 

Theo AFP, ​vụ việc này khiến 3 cảnh sát bị thương. Giới chức Pháp nghi ngờ cuộc tấn công liên quan đến làn sóng các công dân nước này sang Trung Đông tham gia các hoạt động thánh chiến. 

Tháng 1/2015

Lực lượng vũ trang xử lý tình huống trong vụ tấn công diễn ra tại trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo. Ảnh: New York Daily News

Hôm 7/1, một vụ xả súng diễn ra tại trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở quận 11, thành phố Paris khiến 12 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương, AP đưa tin.

Trong diễn biến liên quan sau đó, thêm một cảnh sát và 4 con tin ở một siêu thị bị bắn chết. 3 nghi phạm (Amedy Coulibaly và anh em nhà Kouachi) thiệt mạng trong chiến dịch truy bắt của cảnh sát Pháp.

Bất chấp vụ tấn công, Charlie Hebdo tuyên bố vẫn phát hành số tiếp theo vào ngày 14/1 với thông điệp: "Bởi vì ngòi bút luôn ở trên sự tàn bạo, bởi vì tự do là một quyền trên toàn thế giới, bởi vì các bạn ủng hộ chúng tôi, Charlie, sẽ phát hành số tiếp theo vào thứ tư tuần tới".

Tháng 2/2015

Cảnh sát phong toả hiện trường trong vụ tấn công diễn ra hôm 3/2. Ảnh: Independent

Hôm 3/2, 3 binh sĩ tuần tra bên ngoài một trung tâm cộng đồng Do Thái ở thành phố Nice bị thương trong một vụ tấn công. Nghi phạm tên là Moussa Coulibaly, trùng họ với một trong những nghi phạm tấn công vào toà soạn của Charlie Hebdo và cửa hàng tạp hoá Do Thái ở thủ đô khiến 20 người thiệt mạng, bao gồm cả những kẻ tấn công.

Những người lính khi đó đang tuần tra trước bối cảnh Pháp tăng cường biện pháp an ninh sau cuộc tấn công hồi tháng 1. Tổng thống Francois Hollande gọi đây là “hành vi tội ác” và hứa sẽ điều tra vụ việc.

Tháng 6/2015

Hôm 26/6, 2 kẻ tấn công vào một nhà máy hoá chất gần thành phố Grenoble. Cảnh sát tìm thấy một thi thể của nạn nhân gần nhà máy và đầu của ông ta trên một hàng rào bên cạnh lá cờ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các nhân viên nhà máy cho hay, họ “vô cùng kinh hoàng” trước vụ tấn công tàn bạo này.

Theo Independent, các nhân chứng nghe thấy một tiếng nổ lớn ở nhà máy Air Products. Kẻ tấn công mang theo cờ Hồi giáo màu đen có chữ Arab.

Tổng thống Francois Hollande mô tả vụ việc là một cuộc tấn công khủng bố.

Tháng 8/2015

Lính Mỹ ngăn chặn thành công vụ thảm sát trên chuyến tàu từ Amsterdam (Hà Lan) đến Paris (Pháp). Ảnh: Getty

Hôm 21/8, 2 hành khách là lính thuỷ quân lục chiến Mỹ chạm trán Ayoub el-Qahzzani, người Maroc, khi hắn đang lên nòng súng trường tự động Kalashnikov trong nhà vệ sinh của tàu Thalys. Kẻ này bắn súng vào các hành khách trên tàu khiến 3 người bị thương, gồm một binh sĩ Mỹ. Họ đã khống chế kẻ tấn công trước khi hắn có thể gây thêm thương vong.

Một quan chức cảnh sát nói với AFP rằng el-Qahzzani mang theo nhiều vũ khí bên trong túi xách, bao gồm một khẩu súng lục tự động và nhiều dao.

Cảnh sát đã bắt kẻ tấn công sau khi tàu cao tốc chở 554 hành khách dừng tại nhà ga ở thị trấn Arras, miền Bắc nước Pháp. Các quan chức cho biết, dường như tên này có cảm tình với IS.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve gọi đây là “cuộc tấn công bạo lực man rợ” và cho biết văn phòng công tố viên chống khủng bố tại Paris sẽ điều tra vụ việc.

Tháng 11/2015

Cảnh sát và đội cứu hộ tại hiện trường của một trong những vụ tấn công hôm 13/11 tại thủ đô Paris. Ảnh: CNN

Hôm 13/11, ít nhất 140 người thiệt mạng sau một loạt vụ tấn công liên hoàn diễn ra tại thủ đô Paris. Theo CNN, khoảng 100 người bị bắt làm con tin tại nhà hát Bataclan sau đó bị bắn chết. 3 vụ nổ xảy ra ở ngoài quán bar gần sân vận động Stade de France, nơi đội tuyển Pháp và Đức đang thi đấu. 

Tổng thống Francois Hollande đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới, kiểm soát giao thông và triển khai quân đội để ngăn ngừa những vụ tấn công mới. 

Thị trưởng Paris khuyên người dân ở trong nhà. Các lãnh đạo quốc tế lên án vụ tấn công khủng bố.​

Paris bị khủng bố

Ít nhất 158 người thiệt mạng vì các vụ tấn công liên hoàn tại Paris, Pháp, bao gồm sân vận động, nhà hàng và nhà hát. 8 nghi phạm đã chết, trong đó có 7 kẻ đánh bom tự sát.

Hiện trường 'như ngày tận thế' sau vụ khủng bố ở Paris

Thi thể nạn nhân được phủ bạt trong khi người sống sót thất thần sau các vụ tấn công liên hoàn khiến hơn 140 người chết ở thủ đô Paris, Pháp ngày 13/11.


 

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm