Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không khí ô nhiễm làm chết 1,6 triệu người TQ mỗi năm

Một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy khoảng 1,6 triệu người ở Trung Quốc chết sớm mỗi năm do tình trạng ô nhiễm không khí.

"Khi tôi sống ở Bắc Kinh, ô nhiễm không khí đã lên tới mức nguy hiểm. Cứ sau mỗi giờ tiếp xúc không khí, tuổi thọ của tôi giảm 20 phút. Hít không khí bẩn ở Bắc Kinh giống như việc mỗi nam giới, phụ nữ và trẻ em hút 1,5 điếu thuốc mỗi giờ", Richard Muller, một nhà vật lý của Đại học California-Berkeley tại Mỹ, kể với Washington Post.

Muller là đồng tác giả của một báo cáo trên tạp chí khoa học PLOS danh tiếng. Báo cáo nói về không khí bẩn ở Trung Quốc và tìm hiểu những hậu quả đối với sức khỏe con người.

Kết quả rất bất ngờ. Theo nghiên cứu của Muller, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 1,6 triệu người chết mỗi năm ở Trung Quốc - tương đương với khoảng 1/6 số trường hợp tử vong sớm ở đây.

Cả Muller và đồng tác giả của nghiên cứu, bác sĩ Robert Rohde, là những nhà nghiên cứu của Berkeley Earth, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích dữ liệu khí hậu toàn cầu.

Bằng cách phân tích dữ liệu từ hệ thống theo dõi chất lượng không khí quốc gia của Trung Quốc và các nguồn của bên thứ 3, hai nhà khoa học xác định mật độ của 6 tác nhân gây ô nhiễm mạnh nhất ở phía đông của Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng két luận 1-2 triệu người Trung Quốc chết sớm mỗi năm vì không khí bẩn, theo AP. Nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng dữ liệu thực tế từ hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Trung Quốc.

Mặc dù chất lượng không khí biến động theo từng tháng và từng ngày, Muller và Rohde nhận thấy 92% dân số Trung Quốc phơi nhiễm không khí bẩn tới mức nguy hiểm ít nhất 120 giờ theo tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Đối với hơn 1/3 người dân Trung Quốc, không khí mà họ hít vào luôn ở mức nguy hiểm trong cả ngày.

Tại Mỹ, vùng có mức ô nhiễm không khí nặng nhất là thành phố Fresno-Madera, bang California, theo dữ liệu của Hiệp hội Phổi Mỹ. Trung bình mỗi năm người dân ở Fresno-Madera phải hít không khí bẩn tới mức nguy hiểm trong 47 ngày.

"Nhưng 99,9% người dân ở miền Đông Trung Quốc phải hít không khí độc hại hơn cả Fresno-Madera", Rohde nói với AP.

Những hạt
Những hạt bụi siêu nhỏ trong không khí khiến nhiều người dân Trung Quốc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà hôm 7/12. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hạt siêu nhỏ là tác nhân gây ô nhiễm không khí đáng sợ nhất. Chúng gồm bụi, khói và hạt muội bay lơ lửng trong không khí và có thể xâm nhập vào phổi. Phần lớn hạt siêu nhỏ xuất hiện do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh ban bố mức báo động đỏ đối với nhiễm không khí từ hôm 8/12 và nó sẽ có hiệu lực tới hôm 10/12. Giới chức thực hiện các biện pháp hạn chế ôtô và yêu cầu một số nhà máy ngừng hoạt động.

Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh lên mức báo động đỏ trong bối cảnh các đại biểu của Trung Quốc, nước tạo ra nhiều khí thải nhất thế giới, tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) tại Paris từ ngày 30/11.

Vào 7h hôm 8/12 theo giờ địa phương, máy theo dõi ô nhiễm không khí trong Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh thông báo khối lượng các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) trong mỗi m3 không khí đã đạt mức 291 microgram. Ngưỡng an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới quy định là 25 microgram/m3.

Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam

Hàng loạt sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng đang tan và thực trạng đó có thể gây nên tác động xấu đối với Việt Nam và nhiều nước châu Á khác.


Linh Phong

Bạn có thể quan tâm