Phiên họp kín diễn ra vào ngày 2/2 đã thảo một tuyên bố kêu gọi khôi phục dân chủ tại Myanmar, lên án hành động của quân đội nước này và yêu cầu toàn bộ chính trị gia được trả tự do. Tuy nhiên, tuyên bố bị hoãn vì không có đủ sự ủng hộ của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, theo một số nhà ngoại giao.
Phái bộ ngoại giao của Trung Quốc và Nga cũng từ chối thông qua tuyên bố này, lấy lý do cần gửi dự thảo về chính phủ đánh giá trước. Trong 2 ngày qua, Trung Quốc liên tục nhấn mạnh thông điệp đảm bảo "ổn định chính trị và xã hội" tại Myanmar.
Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, đã kịch liệt lên án vụ đảo chính của quân đội nước này. Bà cho rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần "cùng gửi rõ thông điệp ủng hộ dân chủ tại Myanmar" và đảm bảo quốc gia này không rơi vào tình cảnh bị cô lập như trước đây, theo AP.
Quân lính Myanmar tuần tra gần khu vực tòa nhà quốc hội tại thủ đô Naypyitaw vào ngày 2/2. Ảnh: Reuters. |
Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ hàng loạt lãnh đạo dân cử và thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Cả nước được đặt trong tình trạng khẩn cấp, kéo dài 1 năm. Toàn bộ quyền lực của các nhánh lập pháp, tư pháp và chính phủ được trao cho Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang, Thống tướng Min Aung Hlaing.
Phía quân đội cáo buộc cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 xảy ra gian lận nghiêm trọng. Họ quyết định giành kiểm soát để bảo vệ hiến pháp năm 2008 vì Ủy ban Bầu cử Liên bang không chấp nhận xử lý cáo buộc gian lận. Kỳ họp của quốc hội mới cũng được tạm hoãn. Đài truyền hình thân quân đội cho biết Myanmar có thể tổ chức bầu cử lại vào năm 2022.
Đại sứ Anh Barbara Woodward, người đang giữ ghế chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, cho biết nhà ngoại giao các nước thành viên đều chia sẻ quan ngại về hành động tình hình Myanmar. Hội đồng Bảo an hoan nghênh nỗ lực từ những đối tác khu vực, trong đó có ASEAN, để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2/2 gọi hành động của quân đội Myanmar là đảo chính. Ông đồng thời đe dọa ra lệnh trừng phạt và sử dụng một số biện pháp khác buộc giới lãnh đạo quân đội Myanmar chịu trách nhiệm.