Những người biểu tình đã tràn vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hôm 9/7. |
Một ngày sau khi những người biểu tình xông vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, nền chính trị Sri Lanka rơi vào thế bất định.
Ông Rajapaksa đã rời đất nước đến Maldives, và được cho là tiếp tục đến Singapore. Trong khi đó, người phát ngôn Quốc hội Sri Lanka cho biết vị tổng thống sẽ từ chức vào ngày 13/7 để tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử mới, dù chưa rõ ngày ấn định.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của Sri Lanka, xuất phát từ những khoản nợ khổng lồ, tình trạng lạm phát và quản lý kinh tế yếu kém, là lời cảnh báo cho một số quốc gia cũng đang chịu cảnh nợ nần, ngày càng dễ bị tổn thương hơn do tình trạng thiếu lương thực và lạm phát gần đây.
Chìm trong khủng hoảng
Các quốc gia như Zambia và Lebanon chìm trong khủng hoảng và đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, nhằm tiếp cận các khoản vay hoặc yêu cầu tái cơ cấu nợ.
Trong khi đó, chính phủ mới của Pakistan cho biết họ tránh được tình trạng vỡ nợ, được thúc đẩy do giá nhiên liệu nhập khẩu tăng vọt, chỉ trong gang tấc vào những tuần gần đây.
Islamabad cũng đang tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vào tháng 6, nước này từ bỏ khoản trợ giá xăng 600 triệu USD/tháng để ổn định tài chính và tiến hành các cuộc đàm phán với IMF. Pakistan cũng đã tăng giá xăng và điện liên tục trong vài tuần qua để theo kịp với giá dầu quốc tế.
Đám đông giận dữ xông vào dinh tổng thống Sri Lanka. Ảnh: Reuters. |
Trước tình trạng này, Ngân hàng Thế giới cắt giảm dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển xuống còn 3,4% trong năm nay, so với mức 4,6% trước đó, với lý do tác động của giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, cũng như chi phí vay tăng nhanh sau khi Mỹ tăng lãi suất.
Trong trường hợp của Sri Lanka, tình hình tài chính bấp bênh bắt nguồn từ việc tích lũy nợ do đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các đợt cắt giảm thuế làm tiêu hao nguồn thu của chính phủ, cũng như lệnh cấm phân bón hóa học làm giảm sản lượng cây trồng.
Quốc gia này tuyên bố vỡ nợ vào tháng 5. Sự thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng khiến họ không thể đảm bảo nguồn cung năng lượng, dẫn đến tình trạng mất điện và thiếu khí đốt. Vào tháng trước, lạm phát lương thực đã tăng vọt lên 80,1%.
Đối với hầu hết người dân Sri Lanka, cuộc sống hàng ngày trong những tháng gần đây xoay quanh việc dành hàng giờ xếp hàng để mua nhiên liệu hoặc chờ có điện trở lại.
Sau nhiều tháng, sự tức giận của công chúng đối với cách quản lý kinh tế của chính phủ đã lên đến đỉnh điểm, khi hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Colombo xông vào chiếm giữ dinh thự của ông Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, vào ngày 9/7.
Một ngày sau đó, ông Wickremesinghe tuyên bố sẽ từ chức, tạo điều kiện cho việc thành lập một chính phủ lâm thời, trước khi tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Tuyên bố này đã vực dậy tinh thần của nhiều người biểu tình tại dinh tổng thống. Song, một số vẫn tỏ ra tức giận bởi sự trái ngược giữa cuộc sống xa hoa của ông với những thường dân Sri Lanka.
“Chúng tôi không có nhiên liệu, thực phẩm và khí đốt”, Wijitha Kumara, 60 tuổi, cho biết. "Nhưng trong khi chúng tôi đau khổ, ông Gotabaya lại có một cuộc sống xa hoa".
Lựa chọn khó khăn
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu tăng vọt, trong khi quyết định tăng lãi suất của Mỹ đã khiến nhiều loại tiền tệ chạm mức thấp nhất trong nhiều năm, dẫn đến việc nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu khác trở nên đắt đỏ hơn.
Điều này buộc các quốc gia đang phải gánh mức nợ cao đối mặt với những lựa chọn khó khăn.
Cảnh sát cố gắng kiểm soát đám đông biểu tình ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Reuters. |
Nhiều quốc gia đang cố gắng chống đỡ đòn lạm phát lương thực và năng lượng bằng cách tung ra các khoản trợ cấp mới và thúc đẩy chương trình chi tiêu xã hội.
Một số nước đang thông qua các khoản trợ cấp mới, ngay cả khi họ vốn đã vật lộn với thâm hụt ngân sách và quay cuồng vì sự xáo trộn của đại dịch Covid-19. Theo các nhà phân tích, điều đó có thể khiến những chính phủ này đối mặt với rắc rối tài chính lớn.
Ở châu Âu, chính phủ các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã công bố giảm thuế và trợ cấp năng lượng trong những tháng gần đây.
Ở châu Phi, Nigeria công bố chi 9,6 tỷ USD, trong khi Zambia chi thêm 200 triệu USD để trợ giá nhiên liệu, mặc dù khoản nợ của hai nước này đang ngày càng tăng.
Trong khi đó, các quốc gia châu Á bao gồm Philippines, Singapore và Indonesia đang đẩy mạnh chi tiêu xã hội, tập trung vào các gia đình có thu nhập thấp thông qua hỗ trợ tiền mặt trực tiếp.
Trở lại Sri Lanka, tình trạng hỗn loạn chính trị có thể làm chậm nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng kinh tế của nước này. Ông Wickremesinghe, cựu thủ tướng kiêm cựu bộ trưởng tài chính, là người chỉ đạo chính trong các cuộc đàm phán với IMF để nhận gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD.
Đến ngày 10/7, phần lớn con phố ở Colombo khôi phục lại sự yên tĩnh. Những người biểu tình tự do ra vào dinh tổng thống, một tòa nhà tráng lệ với những bức tường quét vôi trắng.
Ông Kumara kêu gọi mọi người xung quanh không làm hư hỏng bất kỳ tài sản nào trong tòa nhà, vì chúng được trả bằng tiền công.
Và dù rất buồn khi chứng kiến lối sống xa hoa của ông Rajapaksa, ông Kumara chia sẻ bản thân cảm thấy thỏa mãn phần nào khi chụp ảnh ở đây. “Chúng tôi có cảm giác vừa chiến thắng một kẻ thống trị tồi tệ”, ông nói.