Bên cạnh những tên tuổi cũ như CLB Hà Nội, HAGL, Viettel, SLNA, PVF, làng bóng trẻ Việt Nam đang chứng kiến sự vươn mình của thế lực mới mang tên Học viện Nutifood.
Trung tâm đào tạo của ông bầu Trần Thanh Hải “sinh sau đẻ muộn” so với các lò đào tạo truyền thống khác nhưng cho thấy tiềm năng lớn với những quả ngọt thời gian qua, tiêu biểu cho chức vô địch U21 Quốc gia trong lần đầu tham dự cùng 4 cái tên đóng góp cho đội U23 Việt Nam trên hành trình đăng quang U23 Đông Nam Á 2022.
U21 Nutifood thắng thuyết phục U21 Hà Nội để giành danh hiệu trẻ đầu tiên cuối năm ngoái. Ảnh: Minh Chiến. |
Triết lý Graechen và hình bóng HAGL thứ hai
Để đánh giá tầm vóc của một lò trẻ tại Việt Nam, thành tích vẫn là thước đo đầu tiên như cách Hà Nội, SLNA, PVF, Viettel đã xây nền đắp móng thương hiệu bằng những chiếc cúp ở các giải U.
Học viện Nutifood không phải ngoại lệ. 7 năm sau ngày đi vào hoạt động, họ đã đào tạo được 2 lứa cầu thủ chủ chốt, những đứa trẻ của HLV Guillaume Graechen cần một danh hiệu để khẳng định chất lượng. Mong muốn này trở thành hiện thực ở giải U21 Quốc gia 2021 khi U21 Nutifood vượt qua đội U21 Hà Nội để lên ngôi vô địch. Đây là lần đầu học viện này có đội dự giải U21 Quốc gia. Và các học trò của "thầy Giôm" đã đánh bại U21 Hà Nội của Nguyễn Hai Long, Đặng Văn Tới.
Chiến thắng của U21 Nutifood không đơn thuần mang về phòng truyền thống của họ danh hiệu cao nhất trong làng bóng đá trẻ Việt Nam mà còn chứng minh tiềm năng của trung tâm đào tạo này. Học viện này đào tạo cầu thủ theo giáo án của JMG, tương tự Học viện HAGL trong giai đoạn đầu với kiến trúc sư trưởng vẫn là Guillaume Graechen, người thầy đã đào tạo nên lứa Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường.
Triết lý “trồng người” của thầy Giôm không thay đổi như khi ông còn làm cho HAGL là đề cao kiểm soát bóng, tổ chức và làm chủ trận đấu bằng những đường chuyền ngắn từ hàng thủ. Thành quả của lứa trẻ do HLV Graechen đào tạo là lối đá chững chạc, đẹp mắt và bài bản được trình diễn ở các giải trẻ thời gian qua.
Khác với ngày còn ở HAGL, HLV Graechen có quyền lực chuyên môn hơn tại Nutifood. Ông vừa dạy kỹ - chiến thuật, đào tạo lối chơi, vừa xây dựng nền tảng tâm lý đến định hướng tương lai cho cầu thủ. Những hạn chế của lứa Công Phượng năm xưa như thể lực, kinh nghiệm bóng đá trẻ cũng được khắc phục triệt để trong lần thứ hai ông Graechen hợp tác với một lò đào tạo Việt Nam.
Nguyễn Quốc Việt (trái) là sản phẩm tiêu biểu của Học viện Nutifood với lối chơi hiện đại, gọn gàng, khả năng dứt điểm tốt cùng sự nhạy bén hiếm có của cầu thủ trẻ. Ảnh: Nguyên Khang. |
Bàn thắng của Nguyễn Quốc Việt vào lưới U21 Hà Nội ở chung kết U21 Quốc gia xuất phát từ một tình huống tấn công chớp nhoáng sau những phút căng mình phòng ngự. Quốc Việt là cầu thủ nổi trội nhất, được mệnh danh là “Vua giải trẻ” khi đoạt ngôi vua phá lưới ở các giải U17, U19 và U21 Quốc gia. Tuy nhiên, Học viện này không chỉ có Quốc Việt.
HLV Đinh Thế Nam đã triệu tập 4 cầu thủ của đội U21 Nutifood lên U23 Việt Nam, gồm Quốc Việt, Nguyễn Thanh Khôi, Nguyễn Ngọc Thắng và thủ môn Y Êli Niê. Trong đó, Thanh Khôi và Quốc Việt là 2 cầu thủ thi đấu xông xáo, nổi bật nhất. Tất cả đều là sản phẩm của hệ thống đào tạo hoàn chỉnh, kết hợp giữa giáo án của JMG cùng hệ thống dinh dưỡng, khoa học thể thao tốt.
“Cái hay của Học viện Nutifood là tuyển được cầu thủ đầu vào tốt, chọn lọc đúng người. Từ giáo trình tập luyện đến năng lực của HLV đều đã được kiểm chứng. Học viện này đào tạo cầu thủ theo đúng hướng, tập trung phát triển những khả năng phù hợp với cầu thủ Việt Nam như sự nhanh nhẹn, khéo léo cùng năng lực kiểm soát bóng. Họ giảng dạy, đào tạo cầu thủ tốt và thành tích đội trẻ là minh chứng".
"HLV Graechen từng đào tạo lứa Công Phượng. Triết lý dùng người của ông “Giôm” chịu ảnh hưởng từ Arsenal nên luôn chú trọng dạy kỹ năng kiểm soát bóng. Đó là điều cần thiết để tạo nên cầu thủ giỏi”, cựu quyền Tổng thư ký VFF Phan Anh Tú chia sẻ.
Cựu Tổng thư ký LĐBĐ TP.HCM Dương Vũ Lâm cũng đánh giá cao năng lực của Học viện Nutifood khi nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng thể thao trong huấn luyện cầu thủ trẻ: “Học viện này có hệ thống đào tạo tương đối hoàn chỉnh và bài bản, với giáo án huấn luyện kỹ - chiến thuật được nhập khẩu từ JMG. Lứa cầu thủ hiện tại của họ được đào tạo rất tốt, hoàn thiện về kỹ thuật, phù hợp với lối chơi kiểm soát. Đội U21 của họ vừa vô địch U21 Quốc gia, cho thấy tương lai lứa cầu thủ này rất sáng".
Học viện Nutifood cần tìm môi trường phù hợp để phát triển cầu thủ trẻ thay vì chỉ dừng ở khâu đào tạo thuần túy. Ảnh: Minh Chiến. |
Bài toán đầu ra
Dù vậy, tuyển chọn hay đào tạo chỉ là 2 trong 3 bước để tạo nên một cầu thủ giỏi. Các cầu thủ được đào tạo tốt đến mấy cũng cần môi trường phù hợp để phát huy năng lực.
Khác với Hà Nội, HAGL, Viettel hay SLNA, nơi các cầu thủ trẻ giỏi nhất có thể được đôn thẳng lên đội một, Học viện Nutifood không có đại diện chơi bóng ở V.League. Sau khi tốt nghiệp, các cầu thủ sẽ được gửi gắm đến CLB nào, có lộ trình phát triển ra sao, môi trường phát triển ấy có đồng nhất về mặt triết lý thi đấu lẫn văn hóa bóng đá như tại nơi cầu thủ đã được đào tạo hay không,... đó là vấn đề học viện này phải tìm hướng giải quyết. Đó cũng từng là vấn đề khiến PVF lừng danh chưa thể mang tới những tài năng ấn tượng như mong đợi.
“Để cầu thủ trở thành ngôi sao, Học viện Nutifood cần tạo cho các em đầu ra vững chắc là môi trường phát triển. Đầu ra của học viện này ở đâu, cầu thủ được rèn luyện ở môi trường nào? Yếu tố này mới quyết định thành bại của cầu thủ. Đào tạo tốt chỉ là bước đệm cho cầu thủ, quan trọng là môi trường phát triển sau đó thế nào".
"Có những cầu thủ phát triển giai đoạn đầu rất nhanh như Quang Hải, Công Phượng, có những cầu thủ phát triển chậm hơn, phải đoạn sau sự nghiệp mới bùng nổ như Hùng Dũng... Việc gieo các hạt giống vào mảnh đất nào để sinh trưởng, sử dụng cầu thủ ra sao cho phù hợp phụ thuộc vào môi trường CLB và cái giỏi của HLV", chuyên gia Phan Anh Tú phân tích.