Buổi giao lưu nhận được sự hưởng ứng từ các độc giả trẻ, sinh viên từ Đại học Huế, các em học sinh trường THCS Hàm Nghi. Trong một hoạt động giao lưu Nhìn tranh đoán tên, các em được yêu cầu đoán định các bức tranh minh họa cho các tác phẩm các em được học trên ghế nhà trường như Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long...
Từ xưa đến nay, vẻ đẹp của đất nước Việt Nam cũng đã được thể hiện đậm nét trong những tác phẩm văn chương. Qua trò chơi nhỏ này, bên cạnh việc kiểm tra lại kiến thức, các em học sinh còn nhận ra những vùng đất được mô tả trong các tác phẩm văn học có thể đẹp đến nhường nào.
TS Nguyễn Thanh Tâm, người đang nghiên cứu và giảng dạy văn học thiếu nhi, cho rằng sách sẽ trao cơ hội để độc giả được di dịch tới các không gian, các vùng miền văn hóa và sau đấy, cho chúng ta một nơi an trú mới.
Đây cũng là ý tưởng của nhóm biên soạn hai cuốn sách Đất nước gấm hoa và Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương: Đưa độc giả đi xa hơn những trải nghiệm hàng ngày thông qua tấm bản đồ về cảnh sắc quê hương.
Theo nhóm biên soạn cuốn sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương, cái đẹp của văn chương là sự khắc họa những vùng đất không chỉ qua một bức ảnh chụp hay một thước phim mà còn mang cách nhìn, tình cảm, sự tưởng tượng và sáng tạo trong việc ngắm nhìn và ghi lại cảnh đẹp.
Đọc văn chương, ta thấy mình ngồi trên tảng đá rêu, dưới bóng râm Côn Sơn khi ngâm ngợi vần thơ Nguyễn Trãi, thấy mình trầm trồ trước vẻ đẹp của miền đất Tây Tiến nhờ những câu thơ của Quang Dũng, ghi nhớ dáng hình của sông Đà qua ngòi bút Nguyễn Tuân...
Trong cuốn sách này, hội họa cũng nối gót những áng văn để tiếp tục hành trình "di dịch", cho người đọc cách nhìn và cảm nhận khác hơn, giàu có hơn về những miền đất khác.
TS Lê Vũ Trường Giang và TS Nguyễn Thanh Tâm. Ảnh: Phan Thành. |
TS Lê Vũ Trường Giang cảm thấy vỡ òa trước những minh họa trong sách, ông ước hồi còn trên ghế nhà trường, ông cũng có điều kiện đọc cuốn sách này để hỗ trợ cho việc học của mình.
Bà Nguyễn Thanh Tâm nói: "Đây đều là những tác phẩm văn học đã khẳng định được giá trị trong dòng chảy văn học Việt Nam. Những tác phẩm ấy tạo nên một phần tuổi thơ cho nhiều người".
Bà cho rằng qua những tác phẩm đặc sắc, qua những bức tranh minh họa, học sinh sẽ cảm nhận được cái đẹp của Việt Nam sâu sắc hơn. "Việc khơi gợi mĩ cảm cho học sinh không bao giờ là thừa cả. Việc ta mượn những áng văn lấp lánh vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp hình ảnh, khơi gợi cho người đọc niềm tự hào về quê hương và đất nước của mình là điều rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới".
Các cuốn sách như Đất nước gấm hoa và Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương khuyến khích độc giả, đặc biệt là độc giả nhí có mong muốn được đi xa hơn, được nhìn ngắm thế giới.
Từ những gì các em được đọc, được xem, các em sẽ có được một tình cảm đặc biệt dành cho nơi mà các em còn chưa được đặt chân đến. Đi Đà Nẵng, đi Nha Trang, đi Nhật Bản, đi Pháp... Các em thiếu nhi tham dự sự kiện đã hào hứng chia sẻ những ước vọng được chu du của mình.
Bạn Ngọc, một sinh viên tại Huế nói: "Qua những trang sách, ta có được trải nghiệm trong tiềm thức. Đó chính là tiền đề để ta có khao khát trải nghiệm thực tế".
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.