Với doanh thu 493,5 tỷ đồng, tăng trưởng 167% trong năm 2022, Nhà xuất bản Kim Đồng thuộc những nhà xuất bản phát triển mạnh thời gian qua.
Nhà xuất bản Kim Đồng, một hội viên Hội Xuất bản Việt Nam, không chỉ là đơn vị có đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của ngành xuất bản, mà là đơn vị hàng đầu làm sách cho thiếu nhi, gắn bó với việc nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho thiếu nhi.
Giữ vững tôn chỉ làm sách cho trẻ em, vì trẻ em
Nhà xuất bản Kim Đồng được cho là đơn vị đặt nền móng cho thị trường xuất bản sách thiếu nhi. Ngày 17/6/1957, tại Hà Nội, một nhóm gồm 12 nhà văn, nghệ sĩ, nhà giáo dục đã cùng chung tay lập ra nhà xuất bản dành riêng cho thiếu nhi.
Ông Hồ Thiện Ngôn, một trong những nhà sáng lập, từng chia sẻ về ước nguyện của mình khi lập ra Nhà xuất bản Kim Đồng: “Tôi mong các em thiếu nhi có nhiều sách tốt để đọc, đừng để thời niên thiếu của các em trôi qua vô nghĩa và trống rỗng như 'cửa mở không cài'".
Kể từ khi gia nhập Hội Xuất bản đến nay, đơn vị này đã không ngừng hoạt động tích cực, đóng góp nhiều cho Hội nói riêng và ngành xuất bản nói chung. Trao đổi với Zing, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, cho biết đến nay, nhà xuất bản vẫn giữ vững tôn chỉ làm sách cho trẻ em, vì trẻ em.
Liên tiếp xuất bản số lượng lớn sách hàng năm, đến nay, gia tài của đơn vị đã lên đến hàng chục nghìn đầu sách, làm phong phú thị trường sách thiếu nhi trong nước. Bên cạnh nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển của thể loại văn học thiếu nhi, truyện tranh cũng là một dòng sách thành công của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Hình ảnh độc giả xếp hàng trước NXB Kim Đồng, chờ mua tập truyện mới. Ảnh: Chí Hùng. |
Những bộ truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc... được lứa độc giả nhí đón nhận nhiệt tình. Không ít lần, người ta bắt gặp hình ảnh các tín đồ truyện tranh xếp hàng dài trước Nhà xuất bản Kim Đồng để chờ mua tập mới phát hành của loạt truyện yêu thích của họ.
Sáng 25/3/2022, tin hàng trăm độc giả xếp hàng hơn 10 giờ để mua sách Chú thuật hồi chiến đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Đây không phải trường hợp duy nhất. Tháng 6/2022, người ta lại thấy hàng dài độc giả đến đặt ghế giữ chỗ từ 5h sáng để chờ giờ mở bán tập 4 Chú thuật hồi chiến phiên bản giới hạn.
Hiện tượng này là minh chứng cho sức hút của loại hình truyện tranh. Biên tập viên Đặng Cao Cường của Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết trên thị trường, truyện tranh Nhật Bản vẫn bán chạy nhất. Về thể loại, ăn khách hơn cả là các Shonen chiến đấu, phiêu lưu kỳ ảo, gần đây có thêm dòng truyện tình cảm, hài hước.
Ông Cường cho biết truyện tranh đóng góp khoảng 60% doanh thu của Nhà xuất bản Kim Đồng. Sức đóng góp này cho thấy sự lớn mạnh và khả năng kinh tế của truyện tranh.
Nhà xuất bản Kim Đồng đã có nhiều tựa truyện tranh "làm mưa làm gió" ở Việt Nam. Ảnh: KĐ. |
Mang tri thức tới trẻ em thời đại mới
Không nằm ngoài xu hướng của ngành xuất bản những năm gần đây, Nhà xuất bản Kim Đồng phát triển mạnh mẽ. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên khẳng định đội ngũ tác giả của Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn phong phú và có chất lượng, vì vậy bên cạnh những đầu sách dịch, đơn vị này hàng năm vẫn cho ra đời những tác phẩm của tác giả Việt cho trẻ em Việt.
Nhiều sách thiếu nhi của nhà xuất bản này đã được tôn vinh tại các giải thưởng sách uy tín như Giải thưởng Sách quốc gia. Nổi bật có thể kể đến Chang hoang dã của Trang Nguyễn và Jeet Zdung, tác phẩm đã được trao giải Sách Quốc gia. Đây là một sản phẩm kết hợp kiểu sách tranh comic cùng kiến thức khoa học, kể những câu chuyện sâu sắc về ước mơ và bình đẳng giới, tình yêu thiên nhiên hoang dã. Còn đó, có tủ sách về biển đảo Việt Nam, nổi bật với 2 tác phẩm đoạt giải Sách Quốc gia là Cá voi Eren đến hòn Mun của tác giả Lê Đức Dương và Cà Nóng chu du Trường Sa của tác giả Bùi Tiểu Quyên.
Ngoài hoạt động xuất bản, Nhà xuất bản Kim Đồng có nhiều đóng góp cho cộng đồng với các hoạt động xã hội phong phú. Các cuộc thi viết, hoạt động khuyến đọc ở trường học; mở tủ sách vàng tập hợp các tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của Việt Nam, tái bản nhiều lần, giới thiệu đến thế hệ độc giả mới; mở tủ sách khoa học cho thiếu nhi, phổ cập kiến thức nhân loại một cách dễ hiểu cho trẻ em...
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết thời gian tới, Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ có giải thưởng riêng, tiếp tục thu hút và khích lệ các tác giả trong nước tham gia sáng tác cho thiếu nhi.
Vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, nhà xuất bản này cũng đẩy mạnh dịch, bán bản quyền sách của tác giả Việt ra nhiều nước. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên nói: "Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Kim Đồng đã có được sự hiện diện trên thị trường quốc tế thông qua các hội sách quốc tế, qua các gian hàng ở đây".
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng hợp tác chặt chẽ với xuất bản nước ngoài như hợp tác với Đan Mạch, đào tạo sáng tác cho thiếu nhi trong hàng chục năm qua; hợp tác với Nhật Bản sản xuất bộ truyện tranh Sơn, Goal! quảng bá văn hóa bóng đá Việt; hợp tác với nhiều đại sứ quán các nước để dịch sách, quảng bá văn hóa...
Ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, một bộ phận không nhỏ thiếu nhi Việt Nam cũng thay đổi cách tiếp cận sách. Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ rằng bên cạnh những dạng sách truyền thống, đơn vị này cũng hướng đến phát triển xuất bản số. Thời gian qua, nhà xuất bản này đã hợp tác với những đơn vị như Waka để làm e-book và với Voiz FM, Fonos để phát hành sách nói.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp và làm thay đổi toàn bộ "ngành công nghiệp tri thức", từ cách tiếp cận thị trường, quy trình, cách thức xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, công tác quản lý xuất bản, vấn đề bản quyền... Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã có sự chuẩn bị tốt, có bước chuyển mình thành công, phù hợp bối cảnh thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ cũng như nhu cầu của độc giả.
Trong thời gian tới, app đọc sách của riêng nhà xuất bản sẽ được đi vào hoạt động. Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng nói: "Hướng đến các bạn đọc trẻ, chúng tôi tìm cách phát triển app đọc truyện tranh. Nếu như app này phát huy tác dụng, chúng tôi sẽ mở rộng sang các mảng sách khác".