Kể từ khi “cơn sốt Doraemon” xuất hiện, truyện tranh trở thành món ăn tinh thần được độc giả Việt yêu thích, đặc biệt là giới trẻ. Do có thế mạnh hình ảnh phù hợp với thời đại nghe nhìn và nội dung câu chuyện hấp dẫn, thị trường truyện tranh trong nước đang sôi động.
Chú thuật hồi chiến là một trong những bộ truyện tranh "gây sốt" thời gian qua. Ảnh: K.Đ. |
Chiến lược phát hành
Bên cạnh Nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị có thế mạnh về dòng truyện tranh - một số đơn vị như Nhà xuất bản Trẻ, IPM, Amak Book hay Uranix cũng tham gia làm truyện tranh, hứa hẹn đem đến nhiều tiềm năng cho ngành sách trong nước.
Ông Đặng Cao Cường - Trưởng Ban biên tập Comic, Nhà xuất bản Kim Đồng - cho hay đơn vị ông luôn cố gắng lựa chọn các bộ truyện có nội dung hấp dẫn, đề tài mới mẻ, hình ảnh đẹp để phục vụ bạn đọc.
Một trong những yếu tố tạo nên sức hút cho truyện tranh còn là thời điểm phát hành. Tức là, bất kỳ bộ truyện nào khi ra mắt độc giả Việt cũng phải “bắt nhịp với các bộ truyện đình đám trên thế giới”.
“Để làm được điều này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã đầu tư, nghiên cứu chiến lược phát hành, làm việc với các đối tác sở hữu bản quyền cũng như đối tác phát hành để mang đến cho bạn đọc cơ hội sưu tập nhiều ấn phẩm đẹp đi kèm quà tặng độc đáo như bookmark hay postcard”, ông Cường bật mí.
Bên cạnh đó, với các bộ truyện tranh nổi bật, đơn vị ông Cường còn lựa chọn thời điểm phù hợp để tổ chức một số sự kiện hấp dẫn dành cho các fan truyện tranh.
Cuối tháng 7 vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt tập đầu tiên của bộ manga Sơn, Goal! (bộ truyện tranh kết hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản) và tổ chức buổi giao lưu trực tiếp với tác giả Baba Tamio, biên tập viên Đặng Cao Cường, hai cầu thủ bóng đá Việt Nam: Văn Hậu và Hải Yến.
Hai sự kiện đáng nhớ dành cho các fan truyện tranh thời gian qua còn là thời điểm Nhà xuất bản Kim Đồng mở bán tập 1 và tập 4 phiên bản giới hạn bộ manga Chú thuật hồi chiến.
Nội dung tác phẩm hấp dẫn, chiến lược phát hành (bản cao cấp và quà tặng đều được in với số lượng có hạn và chỉ in một lần duy nhất) khiến Chú thuật hồi chiến tạo được “cơn sốt”. Những hàng dài bạn trẻ xếp hàng từ rạng sáng đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình truyện tranh.
Cùng Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ cũng là một đơn vị phát hành truyện tranh lớn tại Việt Nam. Một số bộ truyện tranh được đơn vị này đầu tư, chăm chút và nằm trong top bán chạy có thể kể đến Ajin, Nhóc Miko, Kingdom, Shaman King, Anh em phi hành gia, Black Jack, hay Blue Period…
Với bộ Ajin gây sốt, ngoài làm boxset, Nhà xuất bản Trẻ hiện vẫn có phương án bán lẻ. Trong khi đó, với nhiều bộ truyện tranh, đơn vị này cũng có bookmark và postcard tặng kèm dành cho các fan. Đây cũng là một trong những chiến lược thu hút bạn đọc mua sách.
Một số bộ truyện tranh nổi bật của Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: Fanpage Truyện tranh Nhà xuất bản Trẻ. |
Phát triển hệ sinh thái truyện tranh
Sức hút của truyện tranh còn đến từ sự đa dạng thể loại: Shōnen manga (truyện tranh dành cho độc giả nam giới vị thành niên), Shōjo manga (dành cho nữ giới vị thành niên), Kodomo manga (manga dành cho trẻ em dưới 10 tuổi)… và đề tài đi từ siêu anh hùng, các cuộc phiêu lưu, tâm lý học đường, thể thao đến khoa học sáng chế.
Theo Trưởng ban biên tập sách Comic, Nhà xuất bản Kim Đồng, những bộ light novel chuyển thể từ manga hoặc những bộ manga đã được chuyển thể điện ảnh, anime cũng đặc biệt tạo nên sức hút lớn. Tiêu biểu như Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, 7 viên ngọc rồng, Thanh gươm diệt quỷ…
Dù đã 30 năm trôi qua kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Việt Nam, “cơn sốt” Doraemon vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt. Mỗi mùa hè đến, Doraemon luôn là một trong những cái tên đứng đầu danh sách tác phẩm bán chạy ở nhiều địa chỉ kinh doanh sách.
Bên cạnh đó, các bộ truyện từng “làm mưa làm gió” thị trường sách những năm về trước như Siêu quậy Teppi, 7 viên ngọc rồng, Shin - Cậu bé bút chì, Thám tử Conan, Tsubasa - Giấc mơ sân cỏ, Naruto, Pokémon… vẫn được công chúng đón nhận và liên tục được tái bản.
Đối với một đơn vị chuyên làm sách cho thiếu nhi, hướng tới đối tượng độc giả trẻ như Nhà xuất bản Kim Đồng, 60% doanh thu đến từ truyện tranh. Điều này đã là minh chứng cho sức hút và tiềm năng kinh doanh của thị trường truyện tranh.
Thế nhưng, trước nay các đơn vị xuất bản chủ yếu kinh doanh truyện tranh phiên bản sách giấy. Để bắt kịp nhu cầu của thị trường và sự phát triển của công nghệ, các đơn vị cũng cần đầu tư thực hiện truyện tranh trên nền tảng số để phục vụ đông đảo bạn đọc hơn nữa.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho việc phát hành truyện tranh trên nền tảng số. Sau khi hoàn tất về mặt nền tảng, thủ tục cấp phép với cơ quan quản lý và các đối tác bản quyền, dự kiến trong khoảng một năm tới, chúng tôi chính thức phát hành truyện tranh trên nền tảng số”, ông Cường cho hay.
Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng thông tin sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để bạn đọc Việt có thể được tiếp cận sớm nhất các bộ truyện tranh “hot” cùng thời gian phát hành tại Nhật.
Sau bộ truyện Sơn, Goal!, đơn vị này cũng có kế hoạch hợp tác tiếp với tác giả Baba Tamio và Nhà xuất bản Kadokawa (Nhật Bản) để triển khai thêm các bộ manga khác về đề tài như ẩm thực Việt Nam.
Bên cạnh đó, khuyến khích, sẵn sàng đầu tư cho các tác giả truyện tranh trong nước cũng là một trong những hướng đi của Nhà xuất bản Kim Đồng trong thời gian tới, hứa hẹn sự bùng nổ và đa dạng cho dòng truyện tranh.