Truyện tranh tại Việt Nam hiện nay đa dạng cả về loại hình lẫn đề tài. Ngoài truyện tranh của tác giả Việt, còn có manga (Nhật), comic (Mỹ), manhwa (Hàn Quốc)… Dễ nhận thấy manga là thể loại truyện được bạn đọc đón nhận nhiệt tình nhất. Truyện tranh của tác giả Việt cũng đang tìm chỗ đứng, khẳng định mình trong lòng người hâm mộ.
Truyện tranh Chú thuật hồi chiến gây sốt. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Đầu tư về mặt hình thức
“Do du nhập vào Việt Nam từ 30 năm trước, chất lượng nội dung và hình ảnh xuất sắc, manga Nhật Bản có chỗ đứng vững chắc trong thị trường truyện tranh Việt Nam”, ông Nguyễn Khánh Dương - Giám đốc Công ty Cổ phần Comicola - cho biết.
Cho tới nay, những bộ manga có thể coi là “kinh điển” đã xuất bản trên thị trường hơn 2 thập kỷ như Doraemon hay Thám tử lừng danh Conan vẫn đang tiếp tục được tái bản và được công chúng yêu thích.
Về mặt thị trường, biên tập viên Đặng Cao Cường của Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết truyện tranh Nhật Bản vẫn bán chạy nhất. Về thể loại, ăn khách hơn cả là các Shonen chiến đấu, phiêu lưu kỳ ảo, gần đây có thêm dòng truyện tình cảm, hài hước.
Ông Cường cho biết truyện tranh đóng góp khoảng 60% doanh thu của Nhà xuất bản Kim Đồng. Sức đóng góp này cho thấy sự lớn mạnh và khả năng kinh tế của truyện tranh.
Những năm gần đây, truyện tranh được chăm chút hơn nhiều về mẫu mã. Có những bộ được đầu tư sản xuất bản đặc biệt, thu hút sự quan tâm của độc giả. Hồi tháng 3, hàng trăm bạn trẻ tới xếp hàng hơn 10 tiếng đồng hồ trước Nhà xuất bản Kim Đồng, háo hức chờ mua tập 1 của bộ manga Chú thuật hồi chiến. Sang tháng 6, hàng dài độc giả lại đến đặt ghế giữ chỗ từ 5h sáng để chờ giờ mở bán tập 4 Chú thuật hồi chiến phiên bản giới hạn.
Hiện tượng này là minh chứng cho sức hút của loại hình truyện tranh. Ở những loại hình khác như sách văn học, sách phi hư cấu, ta ít khi được chứng kiến cảnh tượng xếp hàng chờ mua như vậy ở Việt Nam, kể từ cơn sốt Harry Potter do Nhà xuất bản Trẻ phát hành lần đầu cách đây hơn một thập kỷ.
Nhà xuất bản Trẻ cũng là một đơn vị phát hành truyện tranh lớn tại Việt Nam. Với sự đa dạng về nội dung, chăm chút về hình thức, truyện tranh Nhà xuất bản Trẻ cũng được độc giả đón nhận nồng nhiệt.
Đầu năm, Nhà xuất bản Trẻ đã tái bản bộ manga Á nhân (Ajin) dưới hình thức mới: box set hộp cứng, gồm 6 tập đầu tiên. Box set này có thiết kế đồng bộ và tặng kèm bookmark 3D, ngay lập tức gây sốt trên thị trường. Theo số liệu ghi nhận, Nhà xuất bản Trẻ đã cho in và phát hành khoảng 12.000 box set, tức 72.000 tập Á nhân - một con số phát hành đáng nể.
Thực tế, chỉ manga Nhật mới có sức hút lớn như vậy. Các bộ truyện tranh Việt Nam hiện nay dù cũng được đầu tư nhiều về mặt hình thức, gây được tiếng vang, nhưng ta chưa thấy tác phẩm nào khiến độc giả phải xếp hàng chờ mua như với manga Nhật.
Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu. Truyện tranh Việt Nam vẫn còn tương đối “trẻ”, chưa thể xây dựng được danh tiếng vững chắc và cộng đồng fan hùng hậu được như manga.
Truyện tranh Bad luck của Nguyễn Huỳnh Bảo Châu cũng được đầu tư làm bản đặc biệt. Ảnh: Comicola. |
Tiếp tục phát triển truyện tranh trên nền tảng số
Ngoài xu hướng đầu tư mẫu mã, làm box set, bản đặc biệt, các đơn vị làm truyện tranh tại Việt Nam cũng đang nghiên cứu thêm hình thức, nền tảng khác như ứng dụng đọc truyện tranh.
Cuối tháng 6, Comico - ứng dụng đọc truyện tranh bản quyền được nhiều độc giả yêu thích - ra thông báo ngừng hoạt động. Công chúng đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh mức độ thành công của nền tảng này. Nhưng trao đổi với Zing, ông Nguyễn Khánh Dương - Giám đốc Comicola - cho rằng khó có thể kết luận được lý do Comico ngưng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. “Có thể do thay đổi định hướng khai thác thị trường chứ không nhất thiết liên quan đến việc thành công hay không”, ông Dương nói.
Giám đốc công ty truyện tranh Comicola khẳng định “ứng dụng đọc truyện tranh là tương lai”. Anh cũng nhận thức được rằng ở Việt Nam, thói quen đọc truyện online và trả tiền bản quyền của độc giả chưa được phát triển, cần nhiều thời gian để hình thành thói quen cho độc giả. Nhưng anh vẫn tin rằng, chỉ thêm một thời gian nữa, độc giả Việt Nam sẽ dần hình thành được thói quen bỏ tiền để đọc truyện bản quyền trên ứng dụng đọc truyện tranh.
Thực tế, người Việt Nam đọc truyện tranh trên nền tảng số nhiều, nhưng phần lớn là đọc miễn phí và họ cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Vì lẽ này, nhiều người cảm thấy không cần thiết phải ủng hộ một ứng dụng đọc truyện có yêu cầu trả phí.
Nhưng nhìn sang các loại hình khác như âm nhạc, phim ảnh, ta thấy trước đây công chúng Việt Nam thường xuyên “nghe chùa”, “xem chùa”. Những năm gần đây, khán giả đã dần nhận thức rõ hơn về vấn đề bản quyền, nhiều người đã sẵn sàng chi tiền cho các ứng dụng/dịch vụ như Spotify hay Netflix. Vì vậy, niềm tin của giám đốc Comicola là hoàn toàn có cơ sở.
Theo thời gian, các đơn vị làm truyện tranh cũng có thể tìm tòi, học hỏi để phổ biến truyện tranh trực tuyến thành công hơn tại thị trường Việt Nam.