Trên fanpage chính thức của mình, Comico - ứng dụng đọc truyện tranh trực tuyến bản quyền - đã thông báo về việc ngừng hoạt động trong thời gian tới. Sau khi gửi lời cảm ơn tới độc giả, Comico đưa ra lộ trình cụ thể của việc đóng cửa.
Theo đó, từ ngày 1/7, ứng dụng Comico sẽ ngừng cập nhật chương mới cũng như ngưng cung cấp dịch vụ nạp coin trên các nền tảng. Từ ngày 31/7, đơn vị này sẽ chính thức đóng cửa trang web; ứng dụng truyện tranh bản quyền, bao gồm cả Comicolours (nơi đăng tải sáng tác truyện tranh).
Sau thời điểm này, độc giả sẽ không thể đăng nhập và sử dụng dịch vụ của Comico được nữa. Đây là thông tin không mấy dễ chịu đối với bạn đọc yêu thích truyện tranh.
Comico là ứng dụng sở hữu kho truyện tranh bản quyền đa dạng, phong phú. Nguồn: Comico. |
Comico là ứng dụng đọc truyện tranh bản quyền được nhiều độc giả yêu thích. Kho truyện tranh trực tuyến này sở hữu hàng trăm tác phẩm hấp dẫn với nhiều thể loại khác nhau từ manga, manhwa, webtoon đến tình cảm, học đường, hài hước, hành động, kinh dị… Ứng dụng Comico là một platform có tuổi thọ lâu đời, đã hoạt động thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…
Trước Comico, một số đơn vị khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành truyện tranh (online hoặc offline) cũng đã buộc phải ngừng hoạt động do áp lực quá lớn của thị trường.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Khánh Dương - người sáng lập và vận hành hệ thống Comicola (một công ty truyện tranh Việt) - cho biết từng có cơ hội tiếp xúc và theo dõi quá trình hoạt động của Comico Vietnam từ 5 năm trước, khi họ bắt đầu nghiên cứu thị trường để đưa platform vào Việt Nam.
"Thực tế, khó có thể kết luận được rằng vì sao Comico ngưng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, có thể do thay đổi định hướng khai thác thị trường chứ không nhất thiết liên quan đến việc thành công hay không", ông Dương nói.
Do không có nhiều ứng dụng webtoon bản quyền hoạt động ở thị trường Việt Nam nên việc Comico ngừng cung cấp sẽ tạo ra một khoảng trống lớn đối với thị trường cũng như người hâm mộ truyện tranh nói chung, webtoon nói riêng.
Cũng theo ông Nguyễn Khánh Dương, thị trường truyện tranh trực tuyến ở nước ta còn quá mới. Các đơn vị làm truyện tranh hiện nay cũng là những người mở đường, vừa đi, vừa dò dẫm, vừa học tập kinh nghiệm. Cho nên có lẽ phải mất 5-7 năm nữa, chúng ta mới có thể đúc kết được “Làm thế nào để làm truyện tranh trực tuyến thành công tại thị trường Việt Nam”.
Hiện tại, độc giả trong nước không gặp quá nhiều khó khăn để có thể tiếp cận các nguồn truyện không mất phí. Do vậy, sẽ cần thời gian xây dựng thói quen trả tiền để đọc truyện tranh cho cả cộng đồng người hâm mộ.