Sách "Bài hát lớn lên cùng con" của Phạm Hồng Tuyến. Ảnh: K.Đ. |
Cuốn sách là chuỗi ký ức của Phạm Hồng Tuyến từ khi còn là một học sinh mầm non. Chuỗi ký ức ấy gắn liền với những bài hát bất hủ do bố bà sáng tác - những bài hát mà chính cô bé Phạm Hồng Tuyến khi ấy, đã nhõng nhẽo đòi bố viết.
Có thể kể đến những cái tên như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học, giờ đây, bài hát ấy đã trở thành bài “Mầm non ca”; bài Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt; bài Chúng em là học sinh lớp Một được ông Phạm Tuyên sáng tác đúng năm con gái ông vào lớp 1, sau cũng đã trở thành một bài hát quen thuộc, được hát ở bao trường tiểu học.
Ngoài ra, những bài như Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành một phần trong ký ức chung của nhiều người Việt Nam.
Cuốn sách viết về những bài hát và hoàn cảnh ra đời, những ký ức rất riêng của Phạm Hồng Tuyến về bố và những món quà đặc biệt ấy. Điều này tạo cho những ký ức trên trang viết có cảm giác gần gũi, thân thuộc.
Sáng 18/2, tại sự kiện ra mắt sách, tác giả Phạm Hồng Tuyến đã chia sẻ rằng các bạn bà, sau khi đọc cuốn sách, đã nhận xét: "Đây không chỉ là bài hát lớn lên cùng mỗi Tuyến, mà lớn lên cùng tất cả chúng mình. Tất cả chúng mình đều lớn lên cùng những bài hát ấy", điều này khiến tác giả Phạm Hồng Tuyến và nhạc sĩ Phạm Tuyên cảm thấy rất xúc động.
Nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tạo ra kỷ niệm chung cho nhiều người. Bà nói: "Đọc sách của Phạm Hồng Tuyến, ta thấy ký ức của các thời kỳ mà mỗi người đều có thể nhìn thấy mình trong ấy".
Bà Tạ Bích Loan cho rằng những câu chuyện trong sách được kể với nguyên vẻ hồn nhiên, chân thực và cụ thể, khiến cho độc giả cùng thế hệ nhớ lại một thời, mình cũng đã sống như vậy.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái - tác giả Phạm Hồng Tuyến. Ảnh: Minh Hùng. |
Trong sách, ta bắt gặp những lát cắt cuộc sống từ sinh hoạt đời thường đến chuyện trường lớp, rồi chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể… Đó là những lát cắt ký ức của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Từ đây, tác giả Phạm Hồng Tuyến tái hiện cả một giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó không chỉ là câu chuyện của một cô bé Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp, đó còn là câu chuyện của một thế hệ gắn với "những nốt nhạc nhỏ xinh trên khuôn nhạc lớn rộng của tâm hồn người Việt Nam".
Bà Phạm Hồng Tuyến kể rằng từ nhỏ, bà đã biết các bài hát bố mình sáng tác không chỉ dành riêng cho mỗi mình hát. "Mỗi bài hát của bố, các bạn đều hát, có những bài mà mình đi đến trường nào cũng bắt gặp, như bài Trường cháu là trường mầm non, trường nào cũng ghép thêm tên vào để hát".
Bên cạnh những mẩu chuyện giản dị, sách in kèm một số hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình, cùng bút tích viết tay của một số bài hát. Gần tựa đề mỗi bài hát còn có một mã QR code để người đọc có thể quét bằng điện thoại thông minh để nghe lại các bài hát, trong đó, có những bài “nguyên gốc” do chính cô bé Phạm Hồng Tuyến ngày xưa trình bày.
Chia sẻ trong sáng 18/2, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết ông rất xúc động trước món quà của con gái và những tình cảm yêu mến mọi người dành cho các bài hát ông sáng tác.