Các nhân vật béo thường bị gán cho tính cách tiêu cực trong truyện thiếu nhi. Ảnh: Meg St-Espirit. |
Theo nhà báo Meg St-Espirit, chỉ có khoảng 30% sách dành cho trẻ em có các nhân vật da màu và trong khi chưa có dữ liệu chính xác về số lượng các nhân vật với kích thước cơ thể khác nhau, thì nhiều bậc cha mẹ và các nhà giáo dục đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng rất nhiều nhân vật trong các cuốn sách thiếu nhi đều gầy. Và một điều nữa là khi có một vài nhân vật bụ bẫm hơn bình thường, họ thường bị chế giễu hoặc phỉ báng, ví dụ nhân vật bà béo trong truyện Harry by the Sea.
Tác động xấu đến nhận thức của trẻ
Chelsey Roos, Thủ thư kho sách thiếu nhi tại thư viện Santa Clara, California (Mỹ) cũng lên tiếng rằng văn học dành cho trẻ em đã có truyền thống miêu tả béo đồng nghĩa với háu ăn, xấu xí, ngu ngốc hoặc xấu xa. Trong loạt truyện Harry Potter, có thể thấy nhiều nhân vật phản diện béo như Dudley, Umbridge, Crabbe và Goyle. Loạt truyện ăn khách Funjungle cũng có một nhân vật phản diện béo được gọi là Large Marge, kẻ thường xuyên bị chế giễu là ngu ngốc và bất tài.
Có thể thấy xu hướng đánh giá tiêu cực về kích thước cơ thể như vậy trong văn học thiếu nhi có thể ảnh hưởng sai lệch đến nhận thức của trẻ em.
Pam Moore, nhà tư vấn về ăn uống, nhà trị liệu kiêm người dẫn chương trình podcast về hình thể Real Fit, cho biết trẻ em bị ảnh hưởng bởi văn hóa ăn kiêng và định kiến tiêu cực về cơ thể khi chúng còn nhỏ. Là một người mẹ đang nuôi dạy hai cô con gái, tuổi 8 và 10, Moore nhớ lại khoảng thời gian bà đọc sách đọc truyện Peppa Pig cho các con gái của mình.
Vào thời điểm đó, chủ đề câu chuyện thường là chế giễu nhân vật Daddy Pig vì béo. Bà thường phải nhắc nhở con mình rằng nhận thức đó là sai lầm. Cha mẹ bình thường có thể không nghĩ rằng một trò đùa về những chú heo tưởng tượng có thể ảnh hưởng đến con cái của họ nhưng thực tế là có.
Bà Moore nói: “Một khi bạn chú ý tới vấn đề này, bạn có thể thấy thông điệp ăn kiêng, giữ dáng để duy trì sức khỏe và tránh tăng cân tràn lan trong sách dành cho trẻ em".
Thủ thư Chelsey Roos còn đánh giá rằng trẻ em từ sớm đã bị tác động và cho rằng béo là điều đáng sợ, cần ghê tởm và tránh xa bằng mọi giá. Roos cũng dẫn thông tin từ một nghiên cứu cho thấy sự xa lánh của trẻ nhỏ với việc béo bắt đầu ngay từ khi 3 tuổi và một nghiên cứu khác cho thấy trẻ em không muốn làm bạn với những nhân vật mập mạp. Cách suy nghĩ này có thể khiến trẻ em dấn thân vào chế độ ăn kiêng và căm ghét bản thân khi bị béo.
Đã dần xuất hiện những tác phẩm thiếu nhi khuyến khích sự đa dạng. Ảnh: Amazon. |
Bà Moore cũng đồng tình và chia sẻ thêm: "Cách suy nghĩ đó rất có hại. Những câu chuyện sai lệch không chỉ gửi thông điệp tới những đứa trẻ hơi béo rằng đó là một vấn đề cần giải quyết và đó cũng là lỗi của chúng khi để bản thân hơi mập”. Bà Moore cũng lưu ý rằng những đứa trẻ gầy gò sau khi đọc các tác phẩm trên cũng sẽ sợ tăng cân và thần tượng hóa sự gầy gò, mặc dù cân nặng đôi khi cũng do gen di truyền quyết định.
Từ đó, bà Moore khuyến khích các bậc cha mẹ làm điều giống như bà, chỉ rõ cho các con ngay khi đọc truyện và trò chuyện với lũ trẻ.
Còn trong thế giới văn học, một số tác giả và họa sĩ minh họa đang tìm cách thay đổi ngành công nghiệp này.
Hướng tới thể hiện cuộc sống chân thực và đa dạng
Một trong những tác giả đó là Tyler Feder, người đã viết và vẽ minh họa cho cuốn sách tranh thiếu nhi nổi tiếng năm 2021 Bodies are Cool.
Tyler không nhất thiết phải làm điều gì đó mang tính cách mạng mà chỉ đơn giản là khắc họa thực tế. Tyler chia sẻ: “Sự đa dạng về hình mẫu cơ thể mà tôi gặp trong một ngày ở bãi biển gần giống với sự đa dạng trong cuốn sách của tôi. Và điều đó khác biệt với những cuốn sách mà tất cả nhân vật đều có cùng một kiểu cơ thể gầy gò”.
Từ ngữ và hình ảnh minh họa của Tyler đã khơi dậy niềm thích thú ở trẻ em với sự đa dạng trong hình mẫu cơ thể xung quanh chúng, nhắc nhở chúng về vẻ đẹp của cơ thể tự nhiên trước khi các thông điệp thiên lệch bắt đầu thay đổi nhận thức của chúng. Feder nói: “Trước khi trẻ tiếp xúc với các thông điệp văn hóa phải ăn kiêng, sự tò mò của chúng về cơ thể vẫn rất thuần khiết và không có sự phán xét nào”.
Những tác phẩm này hướng đến thay đổi nhận thức của trẻ về kích thước cơ thể. Ảnh: Amazon. |
Nhà giáo dục chống lại sự định kiến Jyoti Gupta cũng cho biết việc khắc phục xu hướng thông tin sai lệch này cần thời gian và nhiều nỗ lực. Bản thân bà Gupta cũng đang tìm cách lập nên một dự án giúp trẻ em giải quyết những vấn đề này. Cùng họa sĩ minh họa Tarannum Pasricha của mình, Gupta đã xây dựng cuốn sách tương tác Different Differenter dành cho trẻ em từ 3 đến 9 tuổi, giới thiệu sự đa dạng về cơ thể, màu da… và giải đáp nhiều câu hỏi khác của trẻ.
Gupta nói: “Ngay từ đầu, tôi và người vẽ tranh minh họa muốn cuốn sách thể hiện được cuộc sống thực hàng ngày đầy đa dạng của trẻ em. Theo đó, các em nhỏ xuất hiện trong cuốn sách với các chiều cao và kích thước khác nhau, kiểu hình, màu da và kiểu tóc, biểu hiện giới tính, hoàn cảnh kinh tế, tôn giáo cũng như các giá trị văn hóa khác biệt”.
Cả Gupta và Feder đều hy vọng rằng sự đón nhận tích cực đối với sách của họ hiện tại sẽ đóng góp cho một xu hướng mới. Feder nói: “Không có gì sai khi thỉnh thoảng đọc một cuốn sách ít đa dạng nhưng hãy cố gắng chú ý đến những gì con bạn quan tâm và trả lời mọi câu hỏi của chúng với góc nhìn tích cực”.
Feder cũng nhấn mạnh: “Thật tuyệt vời khi mọi người trông thật khác biệt và thế giới sẽ thật nhàm chán nếu mọi người đều trông giống nhau”.
Gupta cũng tin rằng những thay đổi hiện tại sẽ tác động đến tương lai của văn học thiếu nhi. Cha mẹ đang nhận ra những góc tiêu cực từ thời thơ ấu của chính họ và tìm kiếm điều tốt hơn cho con cái của mình. Bà Gupta bày tỏ: “Cộng đồng sáng tạo và xuất bản phải cùng nỗ lực để xây dựng các tiêu chuẩn giáo dục tốt hơn. Chúng tôi phải lên tiếng về việc đưa thêm nhiều nhân vật và hình ảnh minh họa đa dạng vào câu chuyện của mình. Sau tất cả, điều chúng ta phải làm là phản chiếu cuộc sống thực”.