Hoàng tử Jordan Hamzah bị quản thúc tại gia từ ngày 4/4 vì nghi ngờ liên quan đến âm mưu lật đổ quốc vương, Guardian đưa tin.
Hoàng tử Hamzah bin Hussein, 41 tuổi, nói trong thư: “Tôi vẫn sẽ trung thành với di sản của tổ tiên và với quốc vương. Tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho vua và thái tử của ngài”. Bức thư có chữ ký của hoàng tử và được cung điện công bố hôm 5/4.
Hoàng tử Hassan, chú của Quốc vương Abdullah II, sẽ là người đứng ra hòa giải.
Trước đó ít giờ, trong một đoạn ghi âm do phe đối lập công bố, Hoàng tử Hamza vẫn nói ông sẽ "không im lặng" và phản đối lệnh quản thúc của quân đội.
Hoàng tử Jordan Hamzah bin Hussein cùng mẹ, Hoàng hậu Noor. Ảnh: AP. |
“Tướng Youssef Huneiti, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Jordan, nói đã cắt điện thoại và Internet của tôi. Thật không thể chấp nhận được. Tôi đã ghi âm lại và gửi cho bạn bè ở nước ngoài đề phòng bất trắc”, Hoàng tử Hamzah cho biết thêm.
Trước đó, chính phủ Jordan đã cáo buộc Hoàng tử Hamzah, cũng là anh trai cùng cha khác mẹ của Quốc vương Abdullah II, có âm mưu “xấu xa” nhằm “phá hoại đất nước". Hoàng tử Hamzah phủ nhận cáo buộc này.
Hoàng tử Hamzah bị giam giữ cùng với ít nhất với 16 người khác trong cung điện Aman, mặc dù trước đó cương quyết không tuân theo mệnh lệnh cấm đi lại.
Hoàng tử Hamzah được chú ý hơn gần đây khi lớn tiếng cáo buộc các nhà lãnh đạo Jordan tham nhũng, chuyên quyền, độc đoán.
Trong một video gửi cho BBC, ông Hamzah chỉ trích: “Sự quản lý kém cỏi của nhà nước tồn tại gần 20 năm nay càng trở nên tồi tệ hơn. Không ai có thể bày tỏ ý kiến tự do mà không bị quấy rối, đe dọa”.
Quốc vương Abdullah II, 59 tuổi, phong Hoàng tử Hamzah làm thái tử vào năm 1999. Tuy nhiên, quốc vương đã tước bỏ danh hiệu thái tử đối với ông Hamzah vào năm 2004 và chọn Hoàng tử Hussein, con trai mình, trở thành người thừa kế ngai vàng ở Jordan.
Nhà phân tích chính trị Ahmad Awad, người đứng đầu Viện nghiên cứu Kinh tế và Thông tin thuộc Trung tâm Phenix, cho biết: “Đây chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng, chưa phải điểm kết thúc. Điều này cho thấy (Jordan) cần cải cách toàn diện về chính trị, kinh tế và dân chủ”.
Mỹ, Ai Cập, Nga và các quốc gia Vùng Vịnh cam kết hỗ trợ cho Quốc vương Abdullah II. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Mỹ coi trọng sự chính trực và tầm nhìn của quốc vương. Ông Abdullah có được sự ủng hộ của Mỹ”.