“Tôi sẽ chờ, thà chờ chứ không muốn được hoàn vé. Tôi không muốn ‘giành’ suất với 15.000 người nữa đâu. Idecaf cố lên!”, dòng bình luận của bạn Minh Anh (22 tuổi, quận 5) để lại dưới thông báo tạm ngưng hoạt động của sân khấu kịch Idecaf (quận 1, TP.HCM).
Minh Anh nhớ lại thời điểm này tầm 5 tháng trước, cô bạn đã có cuộc “vật lộn” đúng nghĩa trong buổi săn vé xem chương trình "Ngày xửa ngày xưa số 33" - vở Thuyền trưởng Sinh Bá và nàng tiên cá đen xì (kịch bản và đạo diễn: Vũ Minh).
“Giá vé không đắt nhưng mang ý nghĩa lớn về mặt tinh thần. Được xem một buổi kịch dàn dựng kỳ công là món quà mà tôi dành tặng cho bản thân nhân dịp tuổi 22”, Minh Anh bộc bạch.
Thành phố giãn cách, kế hoạch mừng sinh nhật của cô bạn gác lại một bên. Nhưng Minh Anh cho biết mình sẽ chờ đợi đến ngày được ra rạp xem trực tiếp.
Không chỉ cô, rất nhiều khán giả khác cũng mang tâm lý hy vọng sân khấu kịch mở lại để đến ủng hộ. Trong khi đó, một số khán giả liên hệ các trung tâm, chờ đợi hoàn vé.
Ekip sân khấu kịch Idecaf mong chờ ngày gặp lại khán giả. Ảnh: Kịch Idecaf. |
Trao đổi với Zing, anh Trầm Thanh Thảo, hiện là trợ lý Giám đốc tại sân khấu kịch Idecaf, cho biết Ticketbox là đại diện phân phối vé online của Idecaf. “Nếu khách mua tại phòng vé thì phải đợi khi sân khấu được hoạt động lại mới trả vé được. Còn mua vé online, bên Ticketbox đã trả gần hết cho khách rồi”, người này nói.
Theo dự kiến, vở diễn Thuyền trưởng Sinh Bá và nàng tiên cá đen xì có tổng cộng 25 suất, trải dài từ 28/5 đến cuối tháng 6 tại Nhà hát Bến Thành. Song, từ khi dịch đến giờ, sân khấu không hoạt động nên cũng không có thông tin gì mới.
Khi được hỏi về kế hoạch chiếu bán trực tuyến trong giai đoạn này, anh Thanh Thảo nhấn mạnh: “Vì tình trạng ‘ăn cắp’ bản quyền, không tôn trọng luật bản quyền tràn lan nên sân khấu luôn luôn nói không với diễn online”.
Một đơn vị khác cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là Chợ Gạo - phòng trà dành cho giới trẻ nổi tiếng tại TP.HCM. Xuất phát điểm với mô hình cocktail bar, anh Hà Thanh Phúc chuyển sang dạng phòng trà và nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ.
Với sức chứa vừa phải, mỗi đêm diễn tại Chợ Gạo thu hút 100-150 khách. Trước giai đoạn giãn cách, phòng trà này đã bán hết vé cho hơn 20 đêm diễn. Nếu đúng như dự tính, các đêm nhạc diễn ra vào khoảng tháng 5 và 6.
Khung cảnh đông đúc trong mỗi đêm nhạc trước đây tại Chợ Gạo. Ảnh: NVCC. |
"Nhận được tin TP đóng cửa, tôi có đăng lên báo khách là ‘Chợ Gạo xin lỗi và mong quý khách thông cảm’, lúc đó tôi chỉ nghĩ giãn cách kéo dài 2 tuần đến 1 tháng như mọi khi. Ấy vậy mà đã 5 tháng trôi qua”, anh Hà Thanh Phúc nói.
Ban đầu, hầu hết khách đồng ý chờ, nhưng sang đến tháng thứ 2 thì đòi tiền dần dần. Nhân viên nghỉ gần hết nên anh Phúc phải tự tay chuyển khoản hoàn cọc cho khách. Do không ra được ngân hàng, lại phải làm thủ công nên mọi thứ diễn ra chầm chậm theo thứ tự.
“Dịch nên ai cũng khó khăn, sốt ruột. Có người còn nghĩ tôi dẹp tiệm luôn, có người cáu kỉnh vì nhận tiền trễ nhưng tôi hoàn toàn hiểu được”, anh cho biết.
Điều khiến anh Phúc xúc động nhất trong thời điểm này là tình cảm của những vị khách quen. Dù bản thân anh muốn hoàn cọc, song, họ không muốn nhận vì mong chờ đêm diễn vẫn sẽ diễn ra, dù sớm hay muộn.
“Chợ Gạo ơi, có thể không hoàn cọc được không? Bởi vì hoàn cọc rồi thì như lời tạm biệt được nói ra”, dòng tin nhắn mà anh Phúc nhận được từ khách Chợ Gạo.
Hiện các phòng trà, sân khấu vẫn chưa được hoạt động ở TP.HCM. Những chủ địa điểm này mong vẫn được khán giả đón nhận dù việc quay trở lại trong thời điểm này là điều khó khăn.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.