Đầu tháng 8, ứng dụng gọi xe Be ra mắt các dịch vụ giao nhận beExpress và beDelivery. Cùng thời điểm đó, Be tuyên bố sẽ sớm tiếp tục phát triển thêm dịch vụ giao đồ ăn beFood cũng như chương trình khách hàng thân thiết.
Tuy nhiên, mới đây đại diện của Be cho biết sẽ tạm hoãn việc triển khai dịch vụ giao đồ ăn beFood để tập trung cho việc phát triển mảng vận tải trong bối cảnh đang có những điều kiện khách quan thuận lợi cho hãng.
"Be sẽ dồn toàn lực phát triển mảng vận tải thay vì đầu tư dàn trải. Chắc chắn chúng tôi vẫn triển khai beFood trong tương lai. Đây chỉ là tạm dừng. Chúng tôi muốn lúc ra mắt dịch vụ cũng phải có sự đầu tư mạnh mẽ như hoạt động vận tải", đại diện Be nói với Zing.vn.
Ra mắt vào tháng 12/2018, sau gần một năm hoạt động, Be đã có mặt tại 8 tỉnh, thành trên cả nước với 2 dịch vụ vận chuyển chính bằng ôtô (beCar) và xe máy (beBike) bên cạnh dịch vụ giao nhận.
Theo thống kê của đơn vị nghiên cứu thị trường ABI Research, Be đang đứng ở vị trí số 2 tại thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với 31 triệu cuốc xe hoàn thành sau 2 quý, vượt trên Go-Viet (21 triệu cuốc xe).
Tuy nhiên, khoảng cách giữa Be với người dẫn đầu thị trường là Grab (146 triệu cuốc xe) vẫn còn rất xa.
Nguồn: ABI Reseach. |
Dù vậy, trong bối cảnh Go-Viet vẫn chưa ấn định ngày ra mắt dịch vụ vận chuyển bằng ôtô (GoCar), Be là đối thủ duy nhất có thể tạo áp lực lên Grab trong mảng vận tải này. Còn lại, các ứng dụng Việt như FastGo hay VATO hiện chỉ chiếm 1% thị phần theo ABI.
Ngược lại, mảng giao thức ăn lại đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa 3 ứng dụng Grab, Go-Viet và Now. Cả 3 dịch vụ giao đồ ăn này đều thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi lớn cho cả khách hàng và đối tác tài xế trong quá trình giành thị phần.
Theo báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á của Google và Temasek, thị trường gọi xe bao gồm dịch vụ giao đồ ăn ở Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD năm 2019. Con số này có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2025.