Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hoài bão chung giúp Việt Nam - Đan Mạch xích lại gần nhau

Chia sẻ trong phiên khai mạc diễn đàn năng lượng ngày 1/11, Thái tử Kế vị Frederik và các quan chức khẳng định Việt Nam - Đan Mạch có chung tham vọng về khí hậu.

Thai tu Dan Mach anh 1

“Về kinh doanh, Đan Mạch hiện là nhà đầu tư nước ngoài chính tại Việt Nam, với khoảng 135 doanh nghiệp. Ở tầm chiến lược và quy mô hơn, chúng ta có cùng chí hướng, chia sẻ chung tham vọng về một tương lai xanh với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050”, Thái tử Kế vị Đan Mạch Frederik phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh Năng lượng Bền vững Việt Nam - Đan Mạch, vào ngày 1/11.

Thái tử cũng nhận định hoài bão này càng trở nên quan trọng hơn khi thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

“Xuất phát điểm của hai nước có thể khác nhau, nhưng chúng ta có chung tầm nhìn trong việc giảm thiểu hệ lụy của biến đổi khí hậu”, ông khẳng định.

Thai tu Dan Mach anh 2

Thái tử Kế vị Đan Mạch Frederik phát biểu trong phiên khai mạc ngày 1/11. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch.

Thái tử cho biết thêm Việt Nam có “một vị trí đặc biệt” với cá nhân ông, sau nhiều lần ông và hoàng gia Đan Mạch được đón tiếp nồng hậu.

Trong khi đó, chia sẻ với Zing trước phiên khai mạc, ông Stig Uffe Pederson, Cục phó Cục Năng lượng Đan Mạch, nhấn mạnh: “Sự phát triển của Việt Nam khiến các công ty trong nước trở thành điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư Đan Mạch và châu Âu”.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng (sử dụng) công nghệ của chúng tôi. Với tốc độ phát triển mạnh, Việt Nam sẽ cần một khối lượng lớn năng lượng tái tạo. Đây là cơ hội tốt cho cả (Đan Mạch) và các đối tác ở Việt Nam”, ông nói.

Với chủ đề “Chung tay kiến tạo tương lai xanh hơn”, Thái tử Kế vị Frederik và Công nương Mary Elizabeth dẫn đầu đoàn hơn 30 doanh nghiệp đến Việt Nam trong các ngày 1-2/11.

Sau lễ đón chính thức, thái tử và công nương đã tham dự phiên khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh Năng lượng Bền vững giữa Việt Nam - Đan Mạch, và 2 hội thảo về năng lượng, đồng thời chứng kiến lễ ký kết 14 bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp.

Công nương Mary Elizabeth cũng nhấn mạnh đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp tìm hiểu chính sách và cơ chế khuyến khích của Việt Nam. Công nương hy vọng hai nước “sẽ phát triển quan hệ đối tác mới và cùng tạo ra nhiều giải pháp để kiến tạo một tương lai xanh hơn cho các thế hệ tiếp theo”.

Bước tiến dài hạn

Phát biểu tại hội thảo “Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không năm 2050” diễn ra vào ngày 1/11, ông Pederson đã chia sẻ những kinh nghiệm của Đan Mạch trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, cần có lộ trình tốt để đảm bảo tìm ra con đường tốt nhất hướng tới mục tiêu cuối cùng”, ông nói.

Thai tu Dan Mach anh 3

Ông Stig Uffe Pederson, Cục phó Cục Năng lượng Đan Mạch. Ảnh: Hải Linh.

Ông Pederson cho biết từ quan điểm của Đan Mạch, châu Âu và thế giới, mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả hiện đóng vai trò rất quan trọng dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhu cầu năng lượng đang tăng lên và đây là một thách thức đối với tất cả bộ phận trong xã hội.

“Tuy nhiên, giá cả (tăng) cũng cho thấy vai trò quan trọng việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong quá trình chuyển đổi xanh, buộc chúng ta đánh giá lại các cái chính sách hiện hành”, ông nhận định.

“Cuộc khủng hoảng này có thể là một cái bước lùi trong ngắn hạn, nhưng đối với chuyển đổi xanh, nó sẽ là một bước tiến mạnh trong dài hạn, nếu chúng ta biết tận dụng”, ông nói.

Ông Pederson trích dẫn báo cáo năng lượng Việt Nam năm 2021 và cho biết mức tiêu dùng năng lượng ở Việt Nam dự kiến tăng gần gấp đôi trong những thập kỷ tới, trong đó công nghiệp chiếm hơn một nửa sản lượng tiêu dùng.

“Việt Nam cũng đã có một khung chính sách toàn diện về thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt trong những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng. Đây là một xuất phát điểm tích cực”, ông Pederson cho biết, đồng thời nhấn mạnh Đan Mạch tự hào “tham gia hành trình đầy tham vọng của Việt Nam hướng tới trung hòa Carbon”.

Thai tu Dan Mach anh 4

Thái tử và công nương Đan Mạch trong lễ ký kết bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch.

Song đại diện từ Đan Mạch cũng chỉ ra một số trở ngại mà các doanh nghiệp nước này gặp phải khi đầu tư vào Việt Nam.

“Nếu nhìn vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi, hiện có một chút trở ngại trong quá trình xin giấy phép thành lập trang trại điện gió. Do đó, có lẽ Việt Nam cần thiết lập một hệ thống quản lý tốt, giúp các nhà phát triển trong và ngoài nước được cấp giấy phép cần thiết để (khai thác)”, ông nói với Zing.

Đồng tình với quan điểm của ông Pederson, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Vestas Morten Dyrholm cho biết cần có khung pháp lý tốt để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

“Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhờ môi trường thuận lợi ở Đan Mạch. Hãy hình dung chúng ta đang phát triển công nghệ hoặc thậm chí đã đưa ra thị trường, nhưng 1-2 năm sau phải ngừng lại vì một số chính sách (bị thay đổi). Sự phát triển công nghệ sẽ không thể tiếp tục”, ông giải thích.

“Vì vậy, để doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư”, cần xây dựng hệ thống chính sách tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và đổi mới liên tục, ông Dyrholm nhận định.

Con đường của Đan Mạch

Trước phiên khai mạc, Đại sứ Khí hậu Toàn cầu Tomas Anker Christensen cũng chia sẻ Đan Mạch đã bước trên con đường hướng tới mục tiêu “khử cacbon nền kinh tế trong hơn 50 năm”.

“Cách đây 50 năm, chúng ta từng trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Vào thời điểm đó, năng lượng trở nên rất đắt ở Đan Mạch. Do đó, chúng tôi khởi động các chính sách tiết kiệm năng lượng và (phát triển) năng lượng tái tạo để tìm ra nguồn cung thay thế”, ông nói.

Đại sứ Khí hậu Christensen cho biết thêm một lý do quan trọng giúp Đan Mạch bước vào top những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này là nhờ sự ủng hộ từ công chúng.

“Người dân Đan Mạch muốn thực hiện sự chuyển đổi này. Chúng tôi cũng có các doanh nghiệp hỗ trợ và sẵn sàng đầu tư. Sau đó là một hệ thống chính trị, nơi các đảng ít nhiều đều thống nhất rằng đất nước cần đi theo hướng này”, ông nói.

Thai tu Dan Mach anh 5

Công nương Đan Mạch phát biểu trong hội thảo. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch.

Nhờ thực hiện chuyển đổi xanh trong nhiều thập kỷ và tiến hành các giải pháp khắc phục biến đổi khí hậu, Đan Mạch đã trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng bền vững, cho thấy tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có thể song hành với giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, ông Jeppe Tranholm-Mikkelsen, Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao Đan Mạch, cho biết trong hội thảo.

Ông Tranholm-Mikkelsen cũng khẳng định khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong hành trình này.

“Các công ty Đan Mạch đã xây dựng nhiều hệ thống thông minh giúp tiết kiệm năng lượng. (Những hệ thống này) không chỉ sử dụng được ở Đan Mạch mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới”, ông cho biết.

Chia sẻ chung quan điểm với ông Tranholm-Mikkelsen, ông Morten nhận định lĩnh vực năng lượng tái tạo cần sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và nhà nước.

“Phát triển năng lượng tái tạo và điện gió không chỉ là vấn đề của khu vực tư nhân mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. (Ngược lại), chúng ta không thể xây dựng các công trình điện gió quy mô lớn nếu không có khung pháp lý hỗ trợ”, ông nói.

Thái tử kế vị Đan Mạch dạo hồ Gươm, thưởng tranh Đông Hồ

Chiều 1/11, Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik dạo quanh hồ Gươm, thử sức với dòng tranh truyền thống Đông Hồ và thưởng thức nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik

Sáng 1/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik và Công nương phu nhân Mary Elizabeth đang thăm chính thức Việt Nam.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm