Không đầy bốn năm sau khi Strickland qua đời, Maurice Huret đã viết một bài báo trên tờ Mercure de France, giúp người họa sĩ vô danh ấy thoát khỏi tình trạng bị lãng quên và vạch ra một con đường mà các nhà văn sau ông, không nhiều thì ít, đã ngoan ngoãn đi theo.
Trong một thời gian dài, không một nhà phê bình uy tín nào ở nước Pháp tiếp nối được quyền uy đó cũng như không khỏi thán phục trước những quan điểm của ông. Những quan điểm ấy tuy có phần ngông nghênh song giá trị của nó về sau đã được giới phê bình công nhận, và danh tiếng của Charles Strickland giờ đây vững chắc đúng như những gì mà ông đã trù tính.
Tiếng tăm lẫy lừng của Charles Strickland vì thế được xem là một trong những sự cố lãng mạn nhất trong lịch sử nghệ thuật. Nhưng tôi không có ý đề cập đến sự nghiệp của Charles Strickland ở đây trừ phi điều đó giúp lột tả phần nào tính cách của ông.
Tôi cũng khó lòng đồng tình với những tay họa sĩ hợm hĩnh cho rằng dân đen không hiểu gì về tranh ảnh và điều tốt nhất mà họ có thể làm để bày tỏ lòng ngưỡng mộ các tác phẩm nghệ thuật là im lặng rút séc.
Quả là một sự ngộ nhận lố bịch khi cho rằng nghệ thuật không hơn gì một món đồ mỹ nghệ mà chỉ người thợ thủ công mới có thể thấu hiểu trọn vẹn: nghệ thuật là biểu hiện của cảm xúc còn cảm xúc lại truyền tải thứ ngôn ngữ mà tất cả chúng ta đều có thể hiểu được.
Nhưng tôi phải thừa nhận rằng một nhà phê bình không có kiến thức chuyên môn hiếm khi phát ngôn ra điều gì đó giá trị, trong khi kiến thức hội họa của tôi có thể nói là vô cùng tệ hại.
May mắn thay, tôi không cần phải mạo hiểm ở lĩnh vực này vì bạn tôi, ngài Edward Leggatt, một nhà văn có năng lực và còn là một họa sĩ đáng ngưỡng mộ đã trình bày trọn vẹn sự nghiệp của Charles Strickland trong cuốn sách nhỏ (1), một ví dụ duyên dáng về dạng thức văn phong, phần nhiều là thế, ít phổ dụng tại Anh hơn ở Pháp.
Trong bài báo nổi tiếng của mình, Maurice Huret đã phác qua đôi nét về cuộc đời Charles Strickland cùng một sự tính toán kỹ lưỡng nhằm gợi nên mối tò mò của độc giả. Với niềm đam mê nghệ thuật không chút vụ lợi, Huret thực lòng mong muốn những người có tầm chú ý đến một tài năng độc đáo đang độ chín muồi; nhưng một nhà báo có lòng như ông khó có thể biết rằng “lợi ích con người” mới là điều giúp ông dễ dàng đạt mục đích hơn cả.
Và đó là điều Strickland đã trải qua trong quá khứ, những nhà văn ông từng quen ở London, những họa sĩ ông từng gặp ở các quán cà-phê đồi Montmartre, tất thảy đều kinh ngạc khi nhận ra người họa sĩ mà họ cho là bất tài như bao gã họa sĩ khác, hóa ra lại là một thiên tài thực thụ ngang hàng với họ; và rồi một loạt các bài báo, hồi ký, nhận định của người này người kia xuất hiện trên khắp các ấn phẩm của Pháp và Mỹ càng khiến cho danh tiếng của Strickland lan rộng nhưng vẫn không sao thỏa mãn được tính hiếu kỳ của đám đông công chúng.
Chuyện thật thú vị, và ông Weitbrecht-Rotholz với bản tính cần mẫn vốn có, đã đưa chuyện này vào danh sách những tác giả nổi tiếng trong chuyên khảo đồ sộ của mình.
(1). A Modern Artist: Notes on the Work of Charles Strickland của Edward Leggatt, A.R.H.A. Martin Secker, 1917.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.