Có lẽ tài năng và sự độc đáo của Charles Strickland khó đủ sức xoay chuyển cán cân như vậy nếu năng lực huyền thoại hóa của con người không sốt sắng gạt sang một bên câu chuyện làm tiêu tan mọi ước vọng về điều phi thường. Và tác phẩm mới ra mắt gần đây của tiến sĩ Weitbrecht-Rotholz cuối cùng đã có thể làm lắng dịu mối nghi ngại của giới hâm mộ nghệ thuật.
Tiến sĩ Weitbrecht-Rotholz vốn thuộc trường phái các sử gia tin rằng bản chất con người không chỉ tệ hại như những gì chúng ta vẫn biết mà còn có thể xấu xa hơn rất nhiều; và độc giả hẳn sẽ an toàn hơn khi được dẫn dắt bởi họ thay vì những nhà văn có thú vui độc ác trong việc miêu tả những nhân vật lãng mạn vĩ đại như những hình mẫu đạo đức trong gia đình.
Về phần mình, tôi lấy làm tiếc khi phải cho rằng mối tình giữa Antony và Cleopatra không có gì hơn ngoài yếu tố kinh tế; và tạ ơn Chúa, sẽ cần rất nhiều bằng chứng để thuyết phục tôi rằng Tiberius là một ông vua toàn tài như George đệ ngũ. Tiến sĩ Weitbrecht-Rotholz đã luận bàn về cuốn tiểu sử ngây ngô của Robert Strickland bằng những ngôn từ khiến ta không khỏi cảm thương vị giám mục kém may mắn ấy.
Thái độ kín đáo nhã nhặn bị coi là đạo đức giả, những lời dẫn giải vòng vo thì bị gán cho tội dối trá còn sự im lặng lại bị phỉ báng là hành vi lọc lừa. Và với những lỗi rỏ màu bất cẩn đáng chê trách ở một họa sĩ được bao biện bởi con trai ông ta, chủng tộc Anglo-Saxon bị buộc tội là quá kiểu cách, xảo trá, kiêu căng, thủ đoạn và nấu ăn dở tệ.
Cá nhân tôi cho rằng anh Strickland thật thiếu suy nghĩ khi bác bỏ những lời đàm tiếu về việc cha mẹ anh “có phần bất hòa” bằng việc trích dẫn lời tán tụng bà là “một người phụ nữ tuyệt vời” trong một bức thư Charles Strickland viết từ Paris, bởi tiến sĩ Weitbrecht-Rotholz đã cho sao in lại toàn văn bức thư và có vẻ như đoạn văn trích dẫn trên thực tế lại ghi như sau: Xin Chúa hãy trừng phạt vợ tôi. Bà ấy là một người phụ nữ tuyệt vời. Mong rằng bà ấy sẽ xuống địa ngục. Chẳng phải ngay cả những bằng chứng hùng hồn của Giáo hội trong thời hoàng kim cũng không mấy được hoan nghênh đấy sao.
Tiến sĩ Weitbrecht-Rotholz vốn ngưỡng mộ Charles Strickland một cách chân thành nên khó có chuyện ông ấy bao che tẩy trắng cho vị họa sĩ này. Đôi mắt tinh tường của ông có thể soi rõ những động cơ đáng khinh bên trong những hành vi mang vẻ ngoài vô tội. Rotholz vừa là nhà tâm lý học vừa là nhà nghiên cứu nghệ thuật nên ông không lạ lẫm gì với tiềm thức con người. Không một nhà huyền học nào thấy được những ý nghĩa thẳm sâu trong những điều tầm thường.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.