Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đời bí ẩn của một họa sĩ

Trong tiểu thuyết 'Vầng trăng và sáu xu', cuộc đời họa sĩ Charles Strickland trải qua nhiều chuyện kỳ lạ và khủng khiếp, tính nết có phần kỳ quặc, còn số phận thì lại gặp không ít tai ương đáng tiếc.

Khả năng huyền thoại hóa là bản tính tự nhiên của loài người. Nó hăm hở chộp lấy bất kỳ chi tiết nào, ly kỳ hay bí ẩn, trong cuộc đời của những con người khác biệt với đồng loại và dựng nên một huyền thoại mà về sau biến tướng thành niềm tin mù quáng. Đó là sự phản kháng của tính lãng mạn trước sự tầm thường trong cuộc sống.

Những chi tiết trong huyền thoại ấy trở thành giấy thông hành đảm bảo đưa nhân vật chính đến với sự bất tử. Triết gia châm biếm với nụ cười mỉa mai rằng Sir Walter Raleigh được nhân loại biết đến với hành động trải áo choàng để nữ hoàng Virgin bước qua hơn là việc ngài vinh danh cái tên thuần Anh ấy tại miền đất chưa được khai phá.

Charles Strickland sống có phần ẩn dật bởi ông có nhiều kẻ thù hơn là bằng hữu. Vì vậy, không có gì lạ khi những kẻ tán tụng ông đã phải thêm thắt lắm điều tưởng tượng như thật trong các cuốn hồi ký nhạt nhẽo của họ, và những thông tin ít ỏi về Strickland hiển nhiên đã tạo cơ hội thuận lợi cho đám chấp bút mơ mộng ấy.

Hoa si anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Cuộc đời ông trải qua nhiều chuyện kỳ lạ và khủng khiếp, tính nết có phần kỳ quặc, còn số phận thì lại gặp không ít tai ương đáng tiếc. Một huyền thoại với quá nhiều tình tiết như vậy ắt sẽ khiến một sử gia sáng suốt không khỏi nghi ngờ phản bác.

Nhưng mục sư Robert Strickland không phải là một sử gia khôn ngoan như vậy. Anh viết cuốn tiểu sử ấy là nhằm “xóa bỏ những lầm lạc phổ biến” ở đoạn đời sau cuối của cha mình và rằng sự lầm lạc đó “khiến những người ở lại không khỏi đau lòng”. Rõ ràng phần đời mà nhiều người biết đến của Strickland có nhiều chi tiết khiến thân nhân của ông phải lấy làm xấu hổ.

Tôi hồ hởi đọc tác phẩm này và tự lấy làm mừng trước sự nhạt nhẽo, tẻ ngắt của nó bởi Robert Strickland đã phóng tác bức chân dung về một người chồng, người cha tuyệt vời, một quý ông tốt bụng, chăm chỉ với đạo đức sáng ngời.

Đường lối nghiên cứu khoa học của vị mục sư tân tiến ấy khiến tôi tin rằng đó hẳn phải là công cụ chú giải lạ lùng nhằm cắt nghĩa mọi điều, tuy nhiên sự khôn khéo mà mục sư Robert Strickland đã viện dẫn nhằm “giải thích” cho những chuyện đã xảy đến với cuộc đời cha mình, điều mà bất cứ người con hiếu thuận nào cũng sẽ làm, rồi sẽ đưa người ấy đến với phẩm trật cao nhất trong Giáo hội khi gặp thời cơ chín muồi.

Tôi đã nhận ra bắp chân chắc nịch của anh ta nhồi nhét trong đôi ghệt giám mục. Đó là một hành động mạo hiểm nhưng không kém phần dũng cảm, bởi những giai thoại ấy hẳn đã góp phần không nhỏ vào danh tiếng của Strickland; nhiều người chú ý đến nghệ thuật của ông vì căm ghét tính cách hoặc mủi lòng trước cái chết của ông.

Và những nỗ lực đầy thiện ý của Strickland con lại khiến những người hâm mộ Strickland cha đâm ra lạnh lòng. Không phải ngẫu nhiên khi một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, The Woman of Samaria (1), đã được bán cho nhà đấu giá Christie’s không lâu sau khi cuộc tranh luận về cuốn tiểu sử Strickland bùng nổ, với giá bán sụt giảm 235 bảng Anh so với chín tháng trước, khi nó được mua bởi một nhà sưu tầm tranh nổi tiếng, tuy nhiên do người này qua đời đột ngột nên một lần nữa nó lại bị đem ra đấu giá trước công chúng.

(1). Bức tranh được chú thích trong danh mục giới thiệu của nhà Christie’s như sau: Một phụ nữ người đảo Society nằm khỏa thân bên dòng suối. Phía sau nàng là khung cảnh vùng nhiệt đới với những hàng cọ và chuối... Khổ tranh: 60 in. x 48 in.

W. Somerset Maugham/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY