Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hóa chất 'nước kẹo' ngâm giá đỗ bán tràn lan trên chợ mạng

Trên chợ mạng, hóa chất 6-Benzylaminopurine được rao bán tràn lan, người bán sẵn sàng cung ứng khi khách có nhu cầu, kể cả với số lượng lớn.

Liên quan vụ khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng tại TP Buôn Ma Thuột vì có hành vi sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine sản xuất giá đỗ để cung ứng ra thị trường, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết chỉ trong năm 2024, nhóm đối tượng này đã tiêu thụ ra thị trường hơn 2.900 tấn giá đỗ ngâm hóa chất, tương đương 8-10 tấn mỗi ngày.

Trong đó, hóa chất 6-Benzylaminopurine hay còn gọi là "nước kẹo" không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Hóa chất này thường được sử dụng với mục đích kích thích tăng trưởng tế bào thực vật và ức chế enzym hô hấp, giúp rau củ giữ màu sắc tươi xanh lâu hơn, kéo dài thời gian bảo quản.

bach hoa xanh,  vu gia do anh 1

Hơn 2.900 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine đã tuồn ra thị trường trong năm nay. Ảnh: S.T.

Dễ mua trên "chợ mạng"

Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, "nước kẹo" hiện được bày bán phổ biến trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử. Người dân có thể dễ dàng tìm mua kể cả khối lượng lớn.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "6-Benzylaminopurine", người tiêu dùng đã được gợi ý một loạt sản phẩm được rao bán với mức giá từ 200.000 đồng cho lọ dung tích 5 gram và từ 950.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng cho lọ 25 gram.

Các gian hàng rao bán hóa chất này chủ yếu thuộc nhóm kinh doanh hóa chất thí nghiệm. Các chủ hàng giới thiệu hóa chất này như một chất ức chế kinase hô hấp ở thực vật, đồng thời nhấn mạnh công dụng của "nước kẹo" trong việc bảo quản rau củ sau thu hoạch.

Theo mô tả sản phẩm, hóa chất 6-Benzylaminopurine có thể giữ màu xanh tự nhiên và duy trì chất lượng của các loại rau như bông cải xanh và măng tây.

Thậm chí, người bán còn hướng dẫn sử dụng hóa chất này ở nồng độ 10-15 ppm để kéo dài thời hạn bảo quản bông cải xanh tươi và cải bắp trong điều kiện thương mại, với nhiệt độ bảo quản khoảng 6 độ C (+/- 1 độ C).

Trong khi đó, tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) - khu chợ nổi tiếng chuyên kinh doanh hóa chất tại TP.HCM - việc tìm mua hóa chất này khá khó khăn.

Trong vai người có nhu cầu mua "nước kẹo" để bảo quản rau củ, nhân viên một cửa hàng lớn chuyên kinh doanh hóa chất, hương liệu, bột màu công nghiệp tại khu chợ này cho biết cửa hàng hiện không còn kinh doanh hóa chất 6-Benzylaminopurine.

Nhân viên tiệm còn khẳng định các sạp hàng trong chợ hiện cũng không kinh doanh loại hóa chất này hoặc nếu có chỉ bán cho khách sỉ với số lượng từ 1 kg trở lên.

Tương tự, nhân viên một cửa hàng hóa chất khác trong chợ cũng thừa nhận cửa hàng đã không còn kinh doanh loại hóa chất này từ lâu.

"Chỉ cần nhắc đến là đã thấy rùng mình, ở đây không ai còn dám bán vì đó là chất cấm và công an đã xử lý rất nhiều trường hợp. Giờ cơ quan quản lý đang siết chặt nên không ai dám bán nữa", người này nói thêm.

Sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine sản xuất thực phẩm bị xử lý ra sao?

Thực tế, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết 6-Benzylaminopurine là hợp chất được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp để kích thích tăng trưởng tế bào thực vật, thúc đẩy cây ra nhánh, đâm chồi, ra hoa và kết trái.

Theo ông, dù hợp chất này được luật pháp cho phép trong một số trường hợp, song việc sử dụng để sản xuất thực phẩm như giá đỗ lại là vi phạm pháp luật.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho biết 6-Benzylaminopurine hay "nước kẹo" là hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

"Do đó, hành vi sử dụng hóa chất này vào sản xuất thực phẩm là vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này với lượng hóa chất độc hại có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ luật Hình sự", vị luật sư thông tin.

Cụ thể, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Các trường hợp này bao gồm: Gây ra cái chết cho từ 3 người trở lên; gây ngộ độc nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của 201 người trở lên; gây tổn hại sức khỏe cho từ 3 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể đạt 201% trở lên; sử dụng các chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bị cấm hoặc ngoài danh mục cho phép, với giá trị từ 500 triệu đồng trở lên...

Ngoài án phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề, hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Luật sư Cường cũng cho rằng cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác định giá trị và nguồn gốc của hóa chất độc hại, đồng thời đánh giá mức độ nguy hiểm của loại hóa chất này đối với sức khỏe con người để làm cơ sở buộc tội các bị can.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ quá trình tiêu thụ thực phẩm liên quan, xác định các đối tượng khác có giúp sức hay không, thời điểm bắt đầu hành vi phạm tội và số tiền thu lợi bất chính.

Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ xác định các nạn nhân đã mua và sử dụng thực phẩm chứa hóa chất này, xem xét có ai bị ngộ độc, nhập viện, thương tích hoặc thiệt mạng. Từ đó, xác định họ là bị hại và đảm bảo quyền lợi của họ, bao gồm quyền yêu cầu xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

"Vụ án này sẽ là bài học cho nhiều người khi coi nhẹ tính mạng sức khỏe của người khác, vì lợi nhuận mà sẵn sàng bất chấp pháp luật, xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng, gây mất an toàn về lương thực, thực phẩm", luật sư Cường nhấn mạnh.

Bách Hóa Xanh nói sẽ hoàn tiền cho khách mua giá đỗ nhiễm hóa chất

Bách Hóa Xanh cam kết hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác cho khách hàng đã mua giá đỗ từ nhà cung cấp Lâm Đạo tại Đắk Lắk.

Vụ giá đỗ ngâm hóa chất: Quy trình nhập hàng của Bách Hóa Xanh thế nào

Bách Hóa Xanh luôn khẳng định chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà cung cấp hàng hóa cho chuỗi này lại không ít lần vướng lùm xùm.

Vụ giá đỗ ngâm hóa chất: Công ty mới thành lập, vốn chỉ 200 triệu

Công ty phân phối giá đỗ ngâm hóa chất cho Bách Hóa Xanh mới chỉ thành lập đầu năm nay với vốn điều lệ 200 triệu đồng.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Liên Phạm - Anh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm