Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Họ vui mừng vì bố tôi chết và gửi thư cho mẹ tôi vào ngày tang lễ'

Đối với gia đình của ông Byong Choi, tang lễ vừa là một ngày đau buồn, vừa mang theo lời cảnh báo về nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á tại Mỹ.

Sau lễ tang là khoảng thời gian vô cùng đau lòng đối với gia đình của ông Byong Choi, một cựu kế toán viên kiêm chủ nhà hàng ở bang California, Mỹ, theo Washington Post.

Ông Byong Choi, 83 tuổi, qua đời hôm 24/2 tại nhà riêng ở quận Cam, bang California, vì bệnh lao phổi. Dưới ảnh hưởng của đại dịch, gia đình ông Choi, gồm vợ và 4 người con gái, phải đợi đến ngày 19/3 mới được tổ chức tang lễ.

Đối với gia đình của ông Choi, đó vừa là một ngày buồn, vừa mang theo lời cảnh báo về nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á tại Mỹ.

Chỉ vài ngày trước đó, một thanh niên da trắng 21 tuổi đã xả súng và giết chết 8 người vô tội, bao gồm 6 phụ nữ châu Á, ở thành phố Atlanta. Vụ việc đã gây chấn động dư luận, đồng thời chỉ ra nguy cơ đối với những người gốc Á sống tại Mỹ.

Bức thư thù hận

Sau tang lễ một tuần, người vợ Yong Choi, 82 tuổi, nhận được một bức thư viết tay tại nhà dưỡng lão Leisure World Seal Beach. Con dấu trên thư được đóng dấu trùng với ngày tổ chức tang lễ cho ông Byong Choi.

Bức thư viết: “Giờ đây ông Byong đã ra đi, giúp giảm bớt một người châu Á cho cộng đồng Leisure World. Những người châu Á đáng sợ đang chiếm chỗ của cộng đồng người Mỹ như chúng tôi!”.

Claudia Choi, một trong những người con gái, cảm thấy khó chịu song không hề ngạc nhiên trước nội dung bức thư. Bà Claudia, 46 tuổi, chia sẻ với Washington Post: “Họ vui mừng bố tôi chết và gửi thư cho mẹ tôi vào ngày tang lễ”.

Bà Claudia nhận xét: “Nhưng việc đóng dấu địa chỉ lên thư là vô cùng tàn nhẫn. Họ dường muốn nói với gia đình tôi rằng hãy coi chừng”.

Buc thu trong ngay tang le anh 1

Vợ của ông Byong Choi nhận được một bức thư viết tay tại nhà dưỡng lão Leisure World Seal Beach. Ảnh: Washington Post.

Cảnh sát tại thành phố Seal Beach đang điều tra vụ việc, đồng thời gọi đây là hành động thù hận nhắm vào người châu Á.

Họ ưu tiên việc tìm ra người gửi bức thư, nhất là khi tội ác thù hận nhắm vào người châu Á đang gia tăng chóng mặt tại quận Cam, dẫn lời cảnh sát trưởng Philip Gonshak từ Sở Cảnh sát Seal Beach.

Trong một tuyên bố, viện dưỡng lão Leisure World lên án "tội ác mang tính định kiến" của một cá nhân ẩn danh, đồng thời khẳng định đang nghiêm túc điều tra vụ việc.

Bà Claudia thì tin rằng bức thư đến từ một thành viên thuộc cộng đồng hưu trí ở Leisure World. Đau lòng thay, đây là nơi mà ông bà Choi từng coi là “nhà” suốt nhiều thập kỷ.

Thành phố Seal Beach hiện có khoảng 11% cư dân là người châu Á, trong khi số liệu này trên toàn quận Cam là 22%.

Cuộc đời của ông Byong Choi

Ông bà Choi từng cảm thấy được chào đón tại cộng đồng hưu trí Leisure World. Khi còn sống, ông Byong Choi là thành viên của dàn hợp xướng thuộc Nhà thờ Holy Family, thành viên của câu lạc bộ Golf nam, câu lạc bộ khiêu vũ và câu lạc bộ karaoke.

Người con gái Claudia đã chứng kiến sự thay đổi thái độ với người gốc Á trong thời đại dịch. Bà đề cập đến việc cựu Tổng thống Donald Trump dùng cụm từ gây tranh cãi như “virus Trung Quốc” và nhiều cư dân ở viện dưỡng lão Leisure World ủng hộ điều này.

Ông Byong Choi từng bỏ công việc tại Bộ Tài chính Hàn Quốc để theo học ngành kế toán tại Đại học Central State của bang Ohio. Giống như nhiều người nhập cư khác, ông bà Choi phải làm nhiều công việc cùng một lúc để kiếm sống.

Ông Choi từng làm kế toán ở một bệnh viện trong khi bà Choi bán đậu phụ cho các nhà hàng. Cặp vợ chồng trẻ sau đó chuyển đến bang Indiana với hy vọng lập nghiệp từ nghề làm đậu phụ. Tuy nhiên, họ đã thất bại và phải làm lại từ đầu.

Buc thu trong ngay tang le anh 2

Hình ảnh gia đình nhà Choi. Ảnh: Yahoo.

Bà Claudia vẫn nhớ bà phải bóc vỏ tôm trong khi người mẹ vừa bán trứng cuộn, vừa cắt su su tại một gian hàng của trung tâm mua sắm. Cùng lúc này, ông Byong Choi thử sức với việc dạy cách nấu đồ ăn Trung Quốc.

Ít lâu sau, ông Choi mở được một nhà hàng chuyên bán đồ ăn Trung Quốc, đặt tên là Choy’s Wok.

Theo bà Claudia, ông Choi rất thích hát nên đã mở thêm một quầy bar chơi piano trong nhà hàng. Bà nhớ lại: “Tôi lớn lên trong một nhà hàng Trung Quốc với những đầu bếp người Peru và một quán bar dành cho người đồng tính”.

Giờ đây, sự ra đi của ông Choi là một cú sốc cho cả gia đình vì ông luôn là người nhanh nhẹn, tháo vát nhất trong nhà. Bà Claudia cho biết sức khỏe của người mẹ đang yếu dần, nhất là khi bà quá đau buồn và thương tiếc chồng.

Bà Claudia nói: “Bố tôi vừa có thể hình lớn, vừa có nhân cách lớn. Ông ấy luôn là một phần trong việc nâng cao nhận thức về nạn phân biệt đối xử với người châu Á. Tôi nghĩ điều đó sẽ khiến ông được vui lòng”.

'Thật đáng sợ khi là phụ nữ Mỹ gốc Á' Vụ xả súng tại 3 spa ở Atlanta cướp đi sinh mạng của 8 người, gồm 6 người gốc Á. Hàng trăm cuộc biểu tình nổ ra ở Mỹ để chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Nữ nghị sĩ Mỹ gốc Á: 'Chúng tôi là mẹ hổ. Đừng giỡn mặt!'

Bà Young Kim và Michelle Steel là những nữ nghị sĩ Cộng hòa gốc Hàn đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ. Họ quyết tâm đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc nhằm vào cộng đồng mình.

Được gây quỹ vì bị hành hung, cụ bà gốc Á tặng lại 900.000 USD

Cụ bà Xiao Zhen Xie quyết định quyên góp gần 900.000 USD cho cộng đồng người Mỹ gốc Á chống lại nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc tại Mỹ.

Quan chức Mỹ gốc Á chịu bất công, bị coi là dân ngoại quốc ở quê nhà

Tình trạng phân biệt đối xử với quan chức ngoại giao Mỹ gốc Á đã diễn ra trong thời gian dài, nguyên nhân bởi dân gốc Á luôn bị coi là người nước ngoài.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm