Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nữ nghị sĩ Mỹ gốc Á: 'Chúng tôi là mẹ hổ. Đừng giỡn mặt!'

Bà Young Kim và Michelle Steel là những nữ nghị sĩ Cộng hòa gốc Hàn đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ. Họ quyết tâm đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc nhằm vào cộng đồng mình.

nguoi My goc A bi phan biet doi xu anh 1

Hai nữ nghị sĩ Young Kim và Michelle Steel chưa bao giờ nghĩ lần đầu tiên họ điều trần trước quốc hội với tư cách thành viên mới của Hạ viện lại là để lên tiếng chống lại bạo lực nhằm vào cộng đồng gốc Á.

Tuy nhiên, hai đảng viên Cộng hòa này vẫn quyết cùng những nghị sĩ gốc Á khác làm nhân chứng trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào tuần trước, theo CNN.

Tiếng nói của họ góp thêm phần trọng lượng cho nỗ lực đánh động cả nước về vấn nạn phân biệt chủng tộc. Tình hình trở nên cấp bách hơn sau vụ xả súng khiến 6 người Mỹ gốc Á thiệt mạng ở Atlanta, bang Georgia.

"Tôi muốn làm rõ rằng không người Mỹ thuộc bất kỳ chủng tộc hay sắc tộc nào phải chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19. Virus không phân biệt đối xử, nó ảnh hưởng đến mọi người", bà Kim nói trong phiên điều trần.

"Chống lại vấn nạn thù hận không nên là vấn đề đảng phái. Chúng ta không thể dung thứ cho bạo lực với bất kỳ cộng đồng nào", bà Steel nói thêm.

Hai bà Kim và Steel là những nữ nghị sĩ Cộng hòa gốc Hàn đầu tiên trong Quốc hội Mỹ. Hai bà tuyên thệ nhậm chức cùng Hạ nghị sĩ Marilyn Strickland của bang Washington, một đảng viên Dân chủ gốc Hàn, vào tháng 1.

"Chúng tôi là những người rắn rỏi. Chúng tôi là 'mẹ hổ' đấy. Đừng giỡn mặt với chúng tôi", bà Kim cười khi trả lời phỏng vấn CNN ở Điện Capitol trước phiên điều trần, đứng cạnh là bà Steel.

nguoi My goc A bi phan biet doi xu anh 2

Young Kim và Michelle Steel là những nữ nghị sĩ Cộng hòa người Mỹ gốc Hàn đầu tiên được bầu vào quốc hội. Ảnh: Greg Nash.

Ông Trump khiến nạn phân biệt chủng tộc tồi tệ hơn

Chống lại thành kiến ​​chủng tộc là điều mà bà Kim và Steel luôn tâm niệm. Họ càng muốn đẩy mạnh điều này hơn nữa khi tham gia chính trường. Trong một chia sẻ, bà Steel kể về việc từng nhận những lời phân biệt chủng tộc tồi tệ khi bà giành được một ghế trong Ủy ban Bình đẳng hóa California, cơ quan giám sát một số loại thuế của tiểu bang, vào năm 2006.

"Một trong những lời cay nghiệt nhất là 'chúng tôi không ăn thịt chó như các người'", bà Steel nhớ lại. "Khi đó chúng tôi chỉ mặc kệ, chỉ cần làm tốt việc của mình. Ai cũng có những kẻ thù ở ngoài kia. Nhưng điều tệ hơn là một số người vốn không phải kẻ thù, mà họ cần tìm một ai đó để đổ lỗi".

Stop AAPI Hate, tổ chức chuyên theo dõi những vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á ngay từ những ngày đầu đại dịch, nói họ nhận được gần 3.800 trình báo về các vụ việc. Gần 45% trong số này xảy ra ở bang California.

Theo nữ nghị sĩ Kim, cựu Tổng thống Donald Trump không thể thoát trách nhiệm trong vấn đề này. Bà đặc biệt lên án cách ông Trump sử dụng những từ ngữ thể hiện rõ sự kỳ thị chủng tộc như "Kung Flu".

"Đó là lời nói không hề tế nhị", bà Kim nói về ông Trump. “Việc nói ra những lời thể hiện sự căm ghét này, cho rằng cộng đồng gốc Á phải chịu trách nhiệm cho những gì người Mỹ đang đối mặt, là hoàn toàn sai lầm và thiếu sự nhạy cảm”.

nguoi My goc A bi phan biet doi xu anh 3

Bà Kim cho rằng ông Trump làm nạn phân biệt chủng tộc với người gốc Á trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: AP.

"Lời nói của các lãnh đạo có tác động nhất định. Họ cần phải cẩn thận với phát ngôn của mình, vì người dân sẽ ghi nhớ nó", bà Kim nói.

Trong khi đó, một trong những hành động đầu tiên của bà Steel sau khi đắc cử vào Hạ viện là cùng đứng tên với Hạ nghị sĩ Dân chủ của California Katie Porter trong một nghị quyết lên án các hành vi bạo lực vì thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương.

Từ bà nội trợ đến nghị sĩ

Bà Kim và Steel là bạn bè thân thiết trong hơn 30 năm, mà mối liên kết chính là những người chồng. Sau đó, hai người phụ nữ cũng nhanh chóng kết bạn. Cả hai gia đình thường xuyên chia sẻ việc nuôi dạy con cái và đi nghỉ với nhau.

"Mùa hè nào chúng tôi cũng cùng đi cắm trại. Còn mùa đông chúng tôi đi trượt tuyết với bọn trẻ", bà Steel nói với CNN.

Họ thậm chí còn phát hiện mẹ của bà Steel và bố vợ của bà Kim là đồng nghiệp tại một trường trung học ở Hàn Quốc.

Nhưng con đường từ bà nội trợ ở nhà đến quốc hội của hai người phụ nữ mới là điều khiến nhiều người ngạc nhiên. Chính bà Kim cũng từng rất ngạc nhiên khi nghe bạn mình nói sẽ ra ứng cử.

"Bà ấy từng nói với Charles (chồng bà Steel) rằng ‘không đời nào em làm chính trị. Em hạnh phúc khi là bà nội trợ’”, bà Kim kể về người bạn của mình.

Song, đến năm 2006, bà Steel nghe nói về chiếc ghế trống ở Ủy ban Bình đẳng hóa California.

"Tôi nói với chồng rằng ‘em sẽ ra tranh cử’. Ông ấy há hốc mồm vì đã làm chính trị trong một thời gian dài, rồi hỏi ‘em có chắc muốn tranh cử với giọng Hàn của mình?’”, bà Steel nhớ lại.

Dù vậy, bà Steel vẫn được chồng ủng hộ hết mình khi quyết định ra tranh cử.

nguoi My goc A bi phan biet doi xu anh 4

Từ một bà nội trợ, nghị sĩ Steel đã đưa ra quyết định khiến chồng và bạn mình bất ngờ. Ảnh: Michelle Steel.

Cuối cùng, người phụ nữ từ Hàn Quốc sang Mỹ khi 19 tuổi này đã giành được vị trí trong Ủy ban Bình đẳng hóa California năm 2006; qua đó khiến bà trở thành quan chức dân cử người Mỹ gốc Hàn có chức vụ cao nhất và là nữ đảng viên Cộng hòa cấp cao nhất của California.

Sau đó, bà Steel giữ chức chủ tịch Hội đồng Giám sát quận Cam.

Bà Kim cũng sinh ra ở Hàn Quốc nhưng lớn lên ở Guam. Người phụ nữ này định cư ở Los Angeles sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Năm 1990, bà được thượng nghị sĩ bang California lúc bấy giờ, ông Ed Royce, nhận vào làm việc.

Theo bà Kim, ban đầu ông Royce thuê bà vì việc tái phân chia quận bầu cử vào năm 1990 khiến thượng nghị sĩ này phải đại diện cho nhiều người Mỹ gốc Á hơn.

"Chúng tôi nỗ lực xây dựng mối quan hệ với cộng đồng người Mỹ gốc Á. Hơn hai thập kỷ làm việc cùng ông Royce cũng giúp cá nhân tôi trở thành người đáng tin cậy đối với cộng đồng gốc Á", bà Kim nói với CNN.

Bà Kim cũng tận dụng quãng thời gian đó để rèn luyện mình.

"Được làm việc với ông ấy tại quốc hội trong 21 năm, tôi luôn nghĩ ít nhất mình cũng biết chút ít về cách quốc hội hoạt động. Tôi từng nghĩ mình cũng có thể ngồi ở đó", bà Kim chia sẻ.

Khiến đảng Cộng hòa đa dạng hơn

Trong cuộc bầu cử năm 2020, bà Kim và bà Steel đều đánh bại các đảng viên Dân chủ từng giành được khu vực bầu cử của họ trong “làn sóng xanh” năm 2018. Hai bà góp phần tạo nên số lượng nữ hạ nghị sĩ Cộng hòa lớn nhất từ ​​trước đến nay, mặc dù con số này vẫn kém xa đảng Dân chủ.

Hai bà giờ đây hy vọng có thể giúp đảng Cộng hòa trở nên đa dạng hơn. Các cuộc thăm dò cho thấy nam giới và người da trắng ngày càng chiếm đa số trong phe bảo thủ.

Bà Kim nhận định việc hai bà đắc cử sẽ chứng tỏ "đảng Cộng hòa đang có động lực thay đổi".

nguoi My goc A bi phan biet doi xu anh 5

Bà Kim và bà Steel là bạn thân của nhau trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Paul Bersebach.

Song, không phải thay đổi nào cũng là tích cực, và đảng Cộng hòa đang thay đổi theo rất nhiều cách.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Georgia Marjorie Taylor Greene - người kích động bạo lực và truyền bá thuyết âm mưu - cũng vừa đắc cử.

Bà Steel đã lên án QAnon và cho rằng những bình luận của bà Greene là nguy hiểm. Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Steel không bỏ phiếu thuận khi Hạ viện biểu quyết về việc trừng phạt bà Greene.

Trái lại, bà Kim bỏ phiếu đồng thuận tước đi vị trí của bà Greene trong hai ủy ban quan trọng.

"Đối với tôi, đó là lá phiếu lương tâm và bài kiểm tra đạo đức của chính tôi. Tôi muốn gửi thông điệp rằng đảng Cộng hòa không chấp nhận những phát ngôn như vậy", bà Kim nói.

Hai nữ nghị sĩ này cũng thẳng thắn chia sẻ cảm nghĩ của mình vào giờ phút tuyên thệ nhậm chức.

"Tôi nhìn vào tòa nhà đó và tự nhủ mình là một trong số 435 người đang làm việc tại Điện Capitol. Tôi khóc. Điều đó thật tuyệt vời", bà Steel nói khi đứng cùng người bạn thân, bà Kim, bên ngoài Điện Capitol.

Với những tổn thương mà người Mỹ gốc Á đang phải đối mặt, hai người bạn lâu năm giờ đây có thể cùng nhau, và dựa vào nhau, đấu tranh cho quyền lợi của cử tri.

“Tôi không chỉ đại diện cho các cử tri của khu vực bầu cử. Chúng tôi còn khu vực bầu cử thứ hai mà mình phải đại diện, đó là cộng đồng người Mỹ gốc Á, mà cụ thể là cộng đồng người Mỹ gốc Hàn”, bà Kim chia sẻ.

Em bé gốc Việt chết trong vụ xả súng năm 1989

32 năm trước, một người xả súng tại trường Tiểu học Cleveland, nơi có nhiều người gốc Á theo học, khiến 5 đứa bé thiệt mạng. Tuy vậy, vụ việc không được coi là tội ác vì thù ghét.

Biểu tình sục sôi khắp nước Mỹ chống đại dịch thù ghét người gốc Á

Bốn ngày sau vụ xả súng hàng loạt tại tiệm massage ở bang Georgia khiến 8 người thiệt mạng, biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc với người gốc Á đang nổ ra trên toàn nước Mỹ.

Như Trần

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm