CLB Santos (Brazil) – đội bóng cũ của Neymar hôm qua đăng tải thông báo có đoạn tố cáo Barcelona dùng chiêu “tung hỏa mù” để không phải trả số tiền 2 triệu euro. Đây là thỏa thuận giữa đôi bên, theo đó Barca sẽ chi 2 triệu euro cho Santos trong trường hợp Neymar lọt vào danh sách rút gọn đề cử Quả bóng vàng.
Sau khi nhận được thư yêu cầu thanh toán từ Santos cuối tuần trước, phía Barca gửi thư trả lời hồi đầu tuần này để khẳng định không trả một xu vì hai lý do. Thứ nhất, hai đội đang có tranh chấp về giá trị thương vụ Neymar. Thứ hai là Barca cho rằng điều khoản thỏa thuận 2 triệu euro đang bị FIFA đặt nghi vấn.
Phía Santos tỏ ra không hài lòng, tố cáo Barca chơi không đẹp, vi phạm hợp đồng và vẽ ra "trở ngại pháp lý không có thực" chỉ nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm.
Vụ rắc rối này là điểm đen mới nhất trong hồ sơ chuyển nhượng đầy mờ ám của Barca. Phi vụ Neymar là điển hình.
Sandro Rosell phải từ chức vì rắc rối ở thương vụ Neymar. Ảnh: Getty. |
Đặc sản chuyển nhượng của khu vực Nam Mỹ là miếng bánh sở hữu giá trị cầu thủ được chia thành nhiều phần (sở hữu bên thứ ba - Third Party Ownership, viết tắt là TPO).
Kể từ năm 2001 các quỹ đầu tư sẽ được phép mua lại một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu các cầu thủ. Quan trọng hơn, các CLB chỉ được phép ký hợp đồng có thời hạn tối đa 5 năm với cầu thủ khi anh ta đủ 16 tuổi, và nếu cầu thủ chuyển sang CLB khác trước khi hết hạn hợp đồng thì cũng chỉ được bồi thường 100 tháng lương.
Mức lương trung bình của các cầu thủ Brazil là 10.000 USD/tháng, còn những gương mặt thuộc top đầu có thể kiếm được khoảng 80.000 USD/tháng, nghĩa là CLB của họ chỉ nhận được tối đa 8 triệu USD tiền phí chuyển nhượng.
Tuy nhiên, nếu một phần quyền sở hữu các cầu thủ thuộc về bên thứ ba thì tình hình lại thay đổi. Khi đó, bên mua cầu thủ sẽ phải thương lượng giá chuyển nhượng với cả bên thứ ba (thường là các quỹ đầu tư) thay vì chỉ cần mặc định bồi thường 100 tháng lương cho bên bán như trước.
Đó là lý do vì sao Chelsea phải bỏ ra 25 triệu bảng cho Oscar còn PSG thậm chí phải móc túi 45 triệu euro để thanh toán cho chữ ký của Lucas Moura.
Ngay từ thời của Diego Maradona, những hợp đồng sở hữu chằng chịt giữa các câu lạc bộ với bên thứ ba luôn làm mất thời gian do các cuộc thương lượng kéo dài căng thẳng, làm mất nhiều sự kiên nhẫn do tiền bạc phải được “ăn đồng chia đủ” cho tất cả các bên.
Ở châu Âu, Anh và Pháp đã cấm tuyệt đối TPO trong khi Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn cho phép. Đó là một phần lý do vì sao Bồ Đào Nha là trạm trung chuyển cầu thủ của Brazil.
Trở lại với vụ Neymar. Con số chuyển nhượng chính thức do Barcelona công bố là 57 triệu euro, nhưng Santos nói họ chỉ nhận được 17,1 triệu euro. Bên sở hữu thứ ba (công ty DIS sở hữu 40% giá trị Neymar) nổi giận vì cảm thấy bị qua mặt. Theo DIS, công ty này chỉ nhận được 6,8 triệu euro (đáng lẽ phải được hưởng 22,8 triệu euro nếu số thực chi là 57 triệu euro) và tố cáo công ty N&N của bố Neymar đã nhận 40 triệu euro.
Hồi tháng sáu, DIS đâm đơn kiện Santos và gia đình Neymar đã có những thỏa thuận bí mật khác, cũng như làm hợp đồng giả để giảm giá trị chuyển nhượng của ngôi sao người Brazil (làm giả hợp đồng 17,1 triệu euro để chỉ phải chi ít tiền cho DIS).
Ngoài ra trong hợp đồng có một điều khoản bất thường về quyền ưu tiên của Barca với 3 cầu thủ trẻ khác trong đội hình Santos, cộng thêm vài trận giao hữu “lại quả” giữa 2 đội.
Messi, Neymar và Mascherano là ba ngôi sao dính vào rắc rối trốn thuế. Ảnh: Getty. |
DIS cho rằng 3 tài năng tuổi teen ấy của Santos (giấu tên) chỉ đáng giá mỗi người chưa đến 2 triệu euro (nếu mua), nghĩa là Barca đã khéo léo "vẽ" thêm 6 triệu euro trong tài khoản của CLB Brazil. Sau đó theo điều tra của Marca, 3 cầu thủ tuổi teen của Santos tên Victor Andrade, Gabriel và Giva. Đây đều là những cầu thủ chơi ở hàng tấn công.
Chưa hết, họ còn định tổ chức trận giao hữu đình đám ở Sao Paulo. Trong trường hợp trận đấu giữa 2 CLB không xảy ra (chưa bao giờ được lên lịch), gã khổng lồ của La Liga sẽ phải bồi thường 4,5 triệu euro. Riêng hai vụ việc này đã giúp Barca và Santos "rửa tiền" tới 10,5 triệu euro cho thương vụ Neymar.
Rắc rối từ thương vụ Neymar khiến chủ tịch Sandro Rosell bay ghế. Bản thân Barca phải nộp thêm hơn 13 triệu euro tiền thuế, công bố số tiền chuyển nhượng trước thuế là 87 triệu euro nhưng vẫn khăng khăng chối tội.
Đây là thương vụ chứng tỏ sự ranh ma của Barca, trước đó đội bóng này cũng từng dính vết nhơ với các vụ chuyển nhượng Marc Overmars, Emmanuel Petit.
Vụ chuyển nhượng Marc Overmars và Emmanuel Petit từ Arsenal sang Nou Camp bị đặt dấu hỏi lớn. Thời điểm ấy, Barca tuyên bố trả cho Arsenal 8,7 triệu peseta (đơn vị tiền tệ cũ của Tây Ban Nha), trong khi Arsenal ban đầu tuyên bố họ chỉ nhận có 7,3 triệu peseta. Chính khoản thâm hụt này đã khiến một thành viên trong BLĐ của Gaspart mua lại một lượng cổ phiếu của Arsenal để khớp hai con số trên báo giới lại với nhau.
Trong vụ Neymar, dù đã cố gắng hết sức để “xào nấu” sổ sách, Barca cũng không thể thực hiện các thủ thuật kế toán một cách hoàn toàn kín kẽ. Như vậy, cộng tiền lương 5 năm, số tiền công bố với số tiền thuế đã trốn, phí chuyển nhượng của Neymar có thể lên tới 124 triệu euro.
Ngoài bê bối Neymar, Barca cũng dính vào vụ lùm xùm chuyển nhượng cầu thủ dưới 18 tuổi khiến họ bị cấm sử dụng cầu thủ mới trong nửa đầu mùa 2015/2016.
Theo điều 19 Luật chuyển nhượng cầu thủ, CLB không được phép chuyển nhượng cầu thủ dưới 18 tuổi ngoại trừ ba trường hợp. Thứ nhất, cầu thủ được chuyển đến một quốc gia khác nếu bố mẹ cũng chuyển đi vì một lý do ngoài bóng đá. Thứ hai, cầu thủ từ 16 đến 18 tuổi có thể chuyển từ nước này sang nước khác với điều kiện cả hai nước đều thuộc Liên minh châu Âu EU. Thứ ba, địa điểm cầu thủ chuyển đến cách địa điểm cũ 100 km.