Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồ Bắc dỡ bỏ phong tỏa từ 25/3, Vũ Hán từ 8/4

Mọi hạn chế đi lại trong và ngoài tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ từ ngày 25/3. Riêng tỉnh lỵ Vũ Hán, lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ từ ngày 8/4.

Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc hôm 24/3 cho hay họ sẽ dỡ bỏ toàn bộ hạn chế đi lại trong và ngoài tỉnh từ ngày 25/3, trừ thành phố tỉnh lỵ Vũ Hán - tâm điểm của dịch virus corona đang bùng phát trên toàn cầu, sau 2 tháng phong tỏa.

Người được xác nhận khỏe mạnh, với mã y tế "xanh lục" được giới chức cấp, có thể rời tỉnh này từ 0h ngày 25/3. Trong khi đó, Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân bị phong tỏa từ ngày 23/1, sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại từ ngày 8/4.

Việc phong tỏa Vũ Hán và hàng chục thành phố khác tại Hồ Bắc, với tổng số người bị cách ly lên đến gần 60 triệu, được xem là biện pháp mạnh tay chưa từng có tiền lệ tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cùng với sự chậm lại của dịch bệnh, Hồ Bắc đã từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép người dân đi lại trong tỉnh và trở lại làm việc, trước khi có thông báo mới nhất. Tuy nhiên, các trường học trong tỉnh vẫn sẽ tiếp tục đóng cửa.

ho bac do bo phong toa anh 1

Người dân trao đổi hàng hóa qua rào chắn cách ly tại Vũ Hán hôm 16/3. Ảnh: AFP.

Global Times, phụ san của báo đảng Trung Quốc, dẫn lời các chuyên gia y tế nói việc dỡ bỏ phong tỏa "cũng có thể được xem là dấu hiệu quan trọng cho thấy đất nước đã giành chiến thắng trong cuộc chiến" chống dịch.

Tuy nhiên, trong khi các biện pháp cứng rắn có vẻ đã giúp kiểm soát được sự lây lan của virus trong nước, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai đến từ người nhập cảnh mang virus.

Trong 78 ca nhiễm mới được công bố sáng 24/3, 74 ca là người nhiễm virus từ bên ngoài Trung Quốc, gần gấp đôi ngày trước đó, theo Ủy ban Y tế Quốc gia. Đây là mức cao nhất về số ca nhiễm ngoại nhập kể từ khi Trung Quốc thống kê dữ liệu này vào đầu tháng 3.

Trong 4 ca nhiễm mới trong nước, chỉ có 1 ca là tại Vũ Hán cũng như Hồ Bắc, nơi đã không ghi nhận thêm ca nhiễm mới liên tục từ ngày 18 đến ngày 22/3.

Những ngày qua, gần như toàn bộ ca nhiễm mới ở Trung Quốc đều đến từ bên ngoài. Giữa lúc nhiều quốc gia đang chiến đấu với đại dịch, căn bệnh giờ đây đã khiến hơn 16.000 người trên toàn cầu tử vong, số ca nhiễm ngoại nhập tại Trung Quốc đã tăng lên đến 427.

Truyền thông nhà nước hôm 24/3 cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Global Times cảnh báo trên trang chủ rằng "các biện pháp kiểm dịch không đầy đủ" đồng nghĩa rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai "rất có thể xảy ra, thậm chí không thể tránh khỏi".

Trọng tâm chống dịch của Trung Quốc giờ đây đã chuyển sang hướng ngăn chặn cả tình trạng tái nhiễm trong nước lẫn sự gia tăng ca bệnh ngoại nhập, theo thông cáo từ cuộc họp của tổ lãnh đạo chống dịch của chính phủ trung ương hôm 23/3.

Nhóm này cũng cảnh báo rằng nguy cơ xuất hiện ổ dịch rải rác ở các địa phương vẫn tồn tại. Chính quyền các tỉnh thành cần báo cáo ca nhiễm mới hàng ngày một cách minh bạch và mọi hành vi che đậy, gian dối trong thống kê đều sẽ bị "trừng phạt nghiêm khắc", theo Global Times.

Nhiều thành phố đã áp dụng các biện pháp cứng rắn để kiểm dịch người nhập cảnh. Mọi chuyến bay quốc tế đến Bắc Kinh, nơi đã báo cáo 31 ca bệnh ngoại nhập, đều được chuyển hướng hạ cánh sang các thành phố khác, nơi hành khách sẽ được kiểm tra y tế.

Điều gì giúp Trung Quốc đẩy lùi đại dịch Covid-19 Trung Quốc không có ca nhiễm nào trong nước mấy ngày gần đây sau khi nước này thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ca nhiễm ngoại nhập tăng, Trung Quốc lo làn sóng dịch bệnh thứ hai

Trung Quốc ghi nhận 78 ca nhiễm virus corona hôm 23/3, hầu hết là người mới nhập cảnh nước này, trong lúc nỗi lo về làn sóng dịch bệnh thứ hai gia tăng.

Số ca Covid-19 mới giảm mạnh, Trung Quốc bắt đầu khôi phục kinh tế

Trong những ngày đầu tiên số ca nhiễm Covid-19 mới giảm kỷ lục, một số hoạt động xã hội, giao thương và dịch vụ của Trung Quốc bắt đầu được khôi phục.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm