Trước khi đến Việt Nam giành các danh hiệu, HLV Velizar Popov cũng từng cất những ngôi sao của mình lên ghế dự bị và cũng từng bị chỉ trích trong sự nghiệp huấn luyện các CLB và tuyển quốc gia.
Ở góc độ nhất định, ông Popov phần nào hiểu được sự việc lúc này ở tuyển Việt Nam và mối quan hệ giữa HLV Philippe Troussier và Nguyễn Hoàng Đức. Ông Troussier đã dẫn tuyển Việt Nam đá 2 trận gặp Philippines và Iraq tại vòng loại thứ hai World Cup 2026 với Hoàng Đức trên ghế dự bị.
Hoàng Đức, một trong 3 Quả bóng vàng Việt Nam, dự bị trận gặp Iraq trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Quyết Thắng. |
'Tôi cũng từng cho ngôi sao của mình dự bị'
- Xin chào HLV Popov. Trong câu chuyện ở tuyển Việt Nam, HLV Troussier có nói lý do không dùng Hoàng Đức là vì cầu thủ này chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngự không bóng. Cũng có thông tin Hoàng Đức không ghi điểm vì biểu cảm trên khuôn mặt. Ông nghĩ sao?
- HLV Popov: Tôi tôn trọng cả hai người. Cả Hoàng Đức và HLV Troussier đều cần nhau và đội tuyển Việt Nam cần cả hai. Hy vọng họ tìm được giải pháp. Không ai lớn hơn đội tuyển quốc gia, cả HLV lẫn cầu thủ. Họ nên vì cái chung.
- Trong sự nghiệp, chắc ông cũng từng rơi vào hoàn cảnh này?
- Tôi đã làm việc với các cầu thủ ngôi sao ở nhiều đội bóng nhưng chưa có xung đột với bất kỳ ai. Để làm được điều này, tôi phải thuyết phục được cầu thủ rằng tôi đúng. Đầu tiên, tôi cho họ cơ hội thi đấu, giúp họ tiến bộ nếu họ chơi không tốt và giải thích tại sao họ phải làm vậy.
Đưa ngôi sao lên ghế dự bị là giải pháp cuối cùng khi tôi muốn đem sự công bằng đến với tất cả cầu thủ. Lúc này họ tin rằng đây là quyết định đúng và điều này tốt cho cả đội. Họ chấp nhận điều đó. Kể cả giờ có gặp lại, tôi vẫn tự hào nhìn thẳng vào mắt các cầu thủ và họ vẫn sẽ dành sự tôn trọng cho tôi.
- Xin hãy đưa ra ví dụ cụ thể?
- Mario Jardel, khi còn chơi cho CLB Cherno More mùa giải 2010/11, đã bị tôi gạt khỏi đội hình 5 trận và cho ngồi dự bị 2 trận. Mùa đó tôi cùng đội bóng vào tứ kết Bulgarian Cup và xếp hạng 6 ở giải VĐQG. Đến giờ chúng tôi vẫn là bạn bè tốt.
Khi dẫn dắt U23 Myanmar, tôi cũng từng cho 2 ngôi sao thi đấu ở nước ngoài là Maung Maung Lwin và Aung Kaung Mann ngồi dự bị. Đó là ở vòng bảng SEA Games 31, khi các cầu thủ này vừa rời CLB để lên tuyển nhưng chỉ có 2 ngày nghỉ trước trận ra quân. Tôi làm vậy không phải vì họ không đủ thể lực mà vì họ không kịp khớp lối chơi với đội. Ở bất kỳ nơi đâu, lợi ích của tập thể mới là điều quan trọng nhất.
HLV Popov thường thể hiện cá tính mạnh khi chỉ đạo. Ảnh: Bảo Ngọc. |
'Tôi vẫn bị coi thường và phân biệt đối xử'
- Với CLB Thanh Hóa thì sao? Ông có gặp vấn đề trong quản trị nhân sự?
- Bạn nên hỏi thêm các cầu thủ. Còn ở góc độ của mình, tôi thấy mối quan hệ của mình với cầu thủ rất tốt.
- Ông thuộc trường phái nào trong quản trị? Kiểu độc tài hay dân chủ?
- Cách làm việc của tôi có những kỷ luật và quy tắc mà mọi người phải tuân theo mà không có sự thỏa hiệp nào. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là sự tôn trọng giữa HLV và các cầu thủ. Tôi luôn đối thoại dựa trên sự tôn trọng. Vì thế, rất dễ dàng khi làm việc với tôi nếu bạn chuyên nghiệp và nếu bạn muốn tiến bộ từng ngày.
- Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là nghệ sĩ piano giỏi nhất vùng Plodiv, mẹ là ca sĩ, vậy mà ông lại dấn thân làm cầu thủ rồi giờ là HLV, một nghề nguy hiểm, khi có người yêu mến và có cả những người ghét mình.
- Tôi không quan tâm và không cần tất cả phải thích mình. Tôi muốn là chính mình. Trong công việc, tôi chỉ quan tâm đến mối quan hệ của mình với cầu thủ, vì họ là nhân tố quan trọng nhất. Tôi biết khi thẳng thắn nói ra sự thật, nhiều người có thể không thích, nhưng tôi sẽ không thay đổi.
Những gì mọi người nói về tôi lúc đầu không quan trọng bằng những gì họ nghĩ về tôi lúc rời đi. Đến nay tôi đã dẫn hơn 10 đội, thì đến 7 đội vẫn muốn tôi quay lại trong tương lai.
- Ông vượt qua chuyện bị chỉ trích thế nào?
- Ngay cả khi làm HLV, tôi vẫn bị coi thường và phân biệt đối xử. Các đội bóng trên thế giới không đặt tôi ở cùng vị trí với các HLV Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp, bất kể CV của tôi tốt thế nào, chỉ vì tôi đến từ đất nước nhỏ bé Bulgaria.
Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi được thúc đẩy. Tôi chăm chỉ làm việc và cố gắng từng ngày để chứng minh cho mọi người thấy không phải HLV Tây Ban Nha nào cũng là Pep Guardiola, không phải HLV Bồ Đào Nha nào cũng là Jose Mourinho.
HLV Popov không ngại nói sự thật. Ảnh: Bảo Ngọc. |
'Để vô địch V.League, đá hay thôi chưa đủ'
- Cái giá phải trả cho sự nghiệp bóng đá của ông là gì?
- Gia đình. Tôi không thể ở bên bố mẹ già từ năm 2011 để ra nước ngoài theo đuổi sự nghiệp. Hàng năm tôi chỉ về nhà một lần vào dịp Giáng sinh hoặc năm mới. Tôi đã có những tháng năm vật lộn với cuộc sống xa gia đình, không bạn bè, không hạnh phúc.
Khi lập gia đình, tôi cũng từng có giai đoạn không đảm bảo được cuộc sống trọn vẹn cho vợ con. Con gái tôi từ lúc biết đi đã theo tôi từ quốc gia này qua quốc gia khác, phải học cách thích nghi với mỗi môi trường, điều kiện khí hậu, văn hóa khác nhau. Điều này cũng mang đến những trải nghiệm quý để con tôi trưởng thành hơn. Có những năm tôi không thể đưa vợ con theo vì không tìm được trường học cho con ở nơi tôi làm việc: Oman.
- Cuộc sống gia đình nhỏ của ông lúc này thế nào?
- Chúng tôi hạnh phúc ở Việt Nam. Người Việt Nam tốt bụng và hiếu khách.
- Tháng 12 này là tròn 1 năm ông đến dẫn dắt Thanh Hóa. Đội bóng của ông đã vô địch Cúp Quốc gia và Siêu Cúp, thậm chí từng ở rất gần chức vô địch V.League mùa trước. Ông có tin đội mình sẽ đăng quang mùa này?
- Ở Việt Nam, một đội bóng chơi hay thôi chưa đủ. Đội phải có tài chính, có cơ sở vật chất xây trung tâm đào tạo trẻ, chính sách chuyển nhượng tốt. Quan trọng hơn là chuyện vận động hành lang - tạo sức ảnh hưởng để cạnh tranh công bằng. Vô địch một giải đấu công bằng thì mới xứng đáng. Thanh Hóa chưa thể vô địch V.League sớm đâu. Tôi không ngại khi nói ra sự thật.
- Không có ý thiếu tôn trọng HLV Troussier, nhưng tôi thấy nhiều người hâm mộ mong muốn ông làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam trong tương lai. Ông nghĩ sao?
- Tôi cảm ơn người hâm mộ Việt Nam nhưng mọi người không nên tạo ra những giả định đó lúc này. Việc đó không phụ thuộc vào tôi mà ở liên đoàn. Sẽ khả thi hơn cho tôi nếu trở lại Myanmar dẫn dắt tuyển quốc gia của họ.
Hãy mang đến bầu không khí thoải mái nhất cho đội tuyển Việt Nam, cổ vũ đội chiến đấu 2 mặt trận quan trọng phía trước.
- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Mục Thể thao giới cuốn sách nổi tiếng viết về bóng đá châu Phi mang tên "Bàn chân của tắc kè hoa" xuất bản vào năm 2010 của tác giả Ian Hawkey. Chân dung của tân HLV trưởng tuyển Việt Nam, Philippe Troussier, cũng sẽ hiện lên phần nào trong cuốn sách này.