Trong loạt ảnh về sân đỗ 737 MAX của Boeing do Woodys Aeroimages thực hiện, có 3 tấm ảnh ghi lại chiếc 737 MAX 8 đã sơn xong nhận diện của Vietjet Air nhưng chưa thể bàn giao cho hãng vì dòng máy bay này vẫn đang bị Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấm bay.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Vietjet cho biết quan điểm nhất quán của hãng là chỉ tiếp nhận máy bay 737 MAX sau khi dòng máy bay đã được các cơ quan chức năng chứng nhận an toàn và cho phép khai thác trở lại một cách bình thường.
Woodys Aeroimages vừa đăng tải hàng loạt hình ảnh về sân đỗ 737 MAX của Boeing tại nhà máy Renton, trong đó đáng chú ý là chiếc 737 MAX 8 đã sơn xong nhận diện của Vietjet Air. Ảnh: Woodys Aeroimages. |
Thay vì sử dụng mã hiệu 737 MAX 8, chiếc máy bay sơn nhận diện của doanh nghiệp Việt có mã hiệu 737-8. Đây là chiếc máy bay nằm trong nhóm đơn hàng mua 200 chiếc dòng 737 mà hãng đã ký kết với Boeing hai lần vào năm 2016 và 2019.
Sau hai vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với Lion Air và Ethiopian Airlines, cướp đi sinh mạng của tổng cộng 346 người, dòng máy bay 737 MAX đã bị cấm bay trên toàn thế giới. Boeing cũng vừa cho biết doanh nghiệp sẽ tạm thời ngừng sản xuất máy bay 737 MAX trên toàn cầu vào tháng tới khi công ty khó khăn trong việc đưa dòng máy bay này trở lại sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng.
Trước đây, Boeing nói rằng họ hy vọng sẽ đưa 737 MAX trở lại vào cuối năm 2019 nhưng quá trình tái chứng nhận với FAA đã kéo dài. Hiện doanh nghiệp dự kiến quá trình này sẽ kết thúc vào giai đoạn tháng 3-4/2020.
Trao đổi với tờ Business Traveller vào đầu tháng 11, ông Donal Boylan, thành viên hội đồng quản trị Vietjet Air cho hay sự cố của dòng 737 MAX đã có "ảnh hưởng lớn" tới hãng bay, cùng lúc với việc các đơn hàng dòng A321neo từ Airbus cũng đang chậm bàn giao.
"Đơn hàng của chúng tôi với Airbus đang chậm 6-7 tháng. Ban đầu chúng tôi sẽ nhận 14 chiếc A321neo trong năm 2019 theo kế hoạch. Hiện chúng tôi chỉ nhận được 6 chiếc. Vấn đề này sẽ còn tiếp tục trong năm 2020 và ảnh hưởng tới quá trình phát triển sản phẩm cũng như đường bay mới và những cơ hội mới", ông Boylan chia sẻ.
"Với dòng MAX, câu chuyện phức tạp hơn một chút. Chúng tôi có kế hoạch nhận 28 chiếc bắt đầu từ tháng 11/2019, mỗi tháng 2 chiếc, cho tới hết năm 2020. Hiện chúng tôi cần ít nhất khoảng 10-15 chiếc dòng MAX. Đó là trong trường hợp chúng tôi không mở thêm liên doanh mới", cấp quản lý của Vietjet Air nói.
Hai chuyến bay gặp nạn của 737 MAX có liên quan đến phần mềm chống đình trệ được gọi là Hệ thống Tăng cường Đặc tính Cơ động (MCAS) cũng như các phím tắt vận hành, sản phẩm và thiết kế do Boeing chế tạo.
Các phi công trên chuyến bay 610 của Lion Air và 302 của Ethiopian Airlines đã gặp sự cố với phần mềm này, dẫn đến hai tai nạn làm 346 người thiệt mạng vào tháng 1. Đầu năm nay, Boeing đã công bố quỹ 100 triệu USD cho gia đình và cộng đồng nạn nhân của hai vụ tai nạn.
Công ty cũng đã giải quyết các vụ kiện với các gia đình của vụ tai nạn đầu tiên và dành hơn 5 tỷ USD để bồi thường cho các khách hàng 737 MAX.