Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hillary Clinton tham gia chính trường vì một câu nói

Câu nói "Hãy dám tranh đua" của một nữ sinh 17 tuổi khiến Hillary Clinton quyết tâm tranh cử chức thượng nghị sĩ bang New York vào năm 1999, khi bà đang là đệ nhất phu nhân Mỹ.

Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: MSNBC

Hillary Clinton thường nói bà quyết định tạo dựng sự nghiệp chính trị vào năm 2000 bởi sự cổ vũ của một nữ sinh trung học 17 tuổi.

Trong lần Hillary Clinton tham gia chương trình Hardball của kênh truyền hình MSNBC, người dẫn chương trình Chris Matthews hỏi bà về quyết định thực hiện cú đột phá từ đệ nhất phu nhân thành chính trị gia, tham gia cuộc đua vào ghế thượng nghị sĩ của bang New York vào năm 2000.

Cựu ngoại trưởng Mỹ đáp rằng, ban đầu bà cảm thấy không chắc chắn về khả năng tranh cử chức thượng nghị sĩ. “Tôi sẽ kể các bạn nghe về điều khiến tôi thay đổi tư tưởng”, BBC dẫn lời bà nói với Matthews.

Câu nói bất ngờ

Vào mùa đông năm 1999, khi vẫn là đệ nhất phu nhân, bà Clinton tới một trường phổ thông trung học ở thành phố New York để quảng bá Dare to Compete – một phim tài liệu về những ngôi sao thể thao nữ. Một nữ sinh có thân hình khá cao của trường giới thiệu bà với khán giả - trong đó có nhiều ngôi sao như huyền thoại quần vợt Billie Jean King, vận động viên thể dục Dominique Dawes.

“Tôi nghĩ cô ấy (người giới thiệu bà với đám đông) là đội trưởng của đội bóng chuyền hay bóng rổ. Tôi bước tới và bắt tay nữ sinh đó. Cô nghiêng người về phía tôi và nói: Hãy dám tranh đua, bà Clinton, hãy dám tranh đua. Và tôi nghĩ: Hay đấy!”, Clinton kể.

Clinton nhắc lại câu chuyện vô số lần trong nhiều năm, bao gồm cả trong cuốn tự truyện mang tên Living History.

“Câu nói của nữ sinh 17 tuổi khiến sự do dự của tôi tan biến một cách mạnh mẽ đến nỗi khi rời khỏi sự kiện tôi bắt đầu nghĩ: Chẳng lẽ tôi sợ làm một việc gì đó hay sao? Tôi đã kêu gọi vô số phụ nữ theo đuổi mục tiêu phi thường. Vì thế, có lẽ tôi nên dám cạnh tranh với người khác”, bà nói.

Sau đó, bà Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ bang New York, rồi trở thành ngoại trưởng. Giờ đây bà đang tiến hành chiến dịch thứ hai nhằm chạy đua vào Nhà Trắng. Song ít người biết về số phận của cô gái 17 tuổi đã truyền cảm hứng cho sự trỗi dậy của Clinton trên vũ đài chính trị.

Nữ sinh yêu thể thao trở thành doanh nhân

Tên của cô gái là Sofia Totti. Hiện tại tên của cô là Sofia Totti Bernardin. Hồi năm 2000, Sofia là đội trưởng một đội bóng rổ của trường trung học mà Clinton tới thăm. Trong 10 năm qua, cô sống ở Paris, Pháp, điều hành một doanh nghiệp và nuôi hai con.

“Sự việc đã xảy ra đúng như bà Clinton nói”, Sofia xác nhận.

Theo Sofia, khi gặp Hillary Clinton, niềm đam mê của bà mới là thứ khiến cô ngưỡng mộ, chứ không phải vị trí đệ nhất phu nhân Mỹ. Trước đó, qua các bản tin và những cuộc trò chuyện với cha mẹ, Sofia biết bà Clinton đang phân vân trước khả năng tranh cử chức thượng nghị sĩ.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton (ngoài cùng bên trái) nghe nữ sinh Sofia Totti phát biểu trong sự kiện quảng bá phim tài liệu Dare to Compete năm 1999. Ảnh: BBC

Hôm ấy Sofia giới thiệu Billie Jean King là huyền thoại quần vợt, Dominique Dawes là vận động viên thể dục dụng cụ từng tham dự Olympic, Clinton là “một ứng cử viên đầy triển vọng”.

“Tôi chỉ nói với đệ nhất phu nhân rằng bà ấy nên tranh đua vì ước mơ trở thành chính trị gia. Sau đó, bà Clinton cũng gửi cho tôi một lá thư để khuyến khích tôi theo đuổi giấc mơ của mình”, cô kể.

17 năm sau đó, Sofia cũng tự thực hiện lời khuyên “dám tranh đua”. Rời khỏi trường phổ thông, cô học quan hệ quốc tế tại Đại học Tufts ở thành phố Boston, rồi làm công việc xuất bản và tiếp thị cho tạp chí Vogue ở thành phố New York.

Vì công việc, Sofia chuyển tới Paris để quản lý quan hệ với các hãng quảng cáo hợp tác với Vogue. Một lần Sofia gặp người đại diện của một công ty kinh doanh túi xách hàng hiệu. Người đó nói công ty đã mở 20 cửa hàng mới ở Trung Quốc nhưng có rất ít kinh nghiệm ở thị trường đông dân nhất thế giới. Ngay lập tức một ý tưởng táo bạo lóe lên trong đầu Sofia. Cô thôi việc và thành lập công ty quảng cáo chuyên kết nối các nhãn hàng thời trang cao cấp châu Âu với thị trường châu Á đang bùng nổ. Khi ấy cô 28 tuổi.

“Tôi tin tưởng hàng thời trang cao cấp và cũng tin tương lai của chúng sẽ sáng sủa, vì thế tôi quyết định tự kinh doanh”, cô hồi tưởng.

Công ty của Sofia được thuê để quản lý mọi nhãn hàng của họ ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Sự tín nhiệm của họ giúp công ty của Sofia thu về hàng triệu USD mỗi năm.

Cô Sofia Totti Bernardin tại thành phố Paris. Ảnh: BBC

Với Sofia, cụm từ “dám cạnh tranh” và sự cổ vũ của bà Hillary Clinton vào năm 1999 rất hữu ích. “Cụm từ ấy và lời cổ vũ của bà Clinton giúp tôi vượt qua mọi thách thức”, cô nói.

Sofia cho biết sẽ bỏ phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 bên ngoài lãnh thổ quê hương. Đương nhiên, cô sẽ bầu Clinton nếu đảng Dân chủ chọn bà làm ứng cử viên.

Khi nhớ lại khoảnh khắc bắt tay bà Clinton, nữ doanh nhân vẫn cảm thấy hơi run. Với Sofia, nói chuyện với đệ nhất phu nhân Mỹ những lời như thế là hành vi quá táo bạo với một nữ sinh 17 tuổi nhưng cô không hối hận.

“Hối tiếc vì trót nói ra điều gì đó là điều không nên. Lúc đó tôi không thể cưỡng lại ý muốn. Do đó, nếu khoảnh khắc ấy tái diễn, tôi sẽ vẫn nói với Clinton như thế. Chắc chắn tôi sẽ nói”, cô khẳng định.

Chuyện xài tiền để vận động tranh cử ở Mỹ

Chi phí vận hành cho một chiến dịch tranh cử rất lớn, bao gồm các hoạt động tranh cử, chi phí cho đội tình nguyện và cả đội ngũ chuyên gia phân tích, truyền thông đầy kinh nghiệm.

 

Linh Phong (theo BBC)

Bạn có thể quan tâm