Sau 6 năm tàu cao tốc lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc, nước này đã phát triển hệ thống đường sắt dài gần 11.000 km, trở thành quốc gia có tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới. |
Tuyến đường nối các thành phố lớn ở miền đông Trung Quốc, từ Cáp Nhĩ Tân ở khu vực phía bắc tới thành phố Thâm Quyến, gần đặc khu hành chính Hong Kong. |
Với vận tốc lý thuyết đạt 320 km và vận tốc thực tế trung bình ước đạt 270 km/giờ, người dân chỉ mất 5 giờ để đáp xe lửa từ Thượng Hải tới Bắc Kinh. Kể từ khi hoạt động năm 2011, các đoàn tàu cao tốc đã phục vụ khoảng 220 triệu lượt hành khách. |
Bắc Kinh đang lên kế hoạch tăng gấp đôi chiều dài hệ thống đường sắt trong vài năm tới, bao gồm một tuyến đường sắt nối giữa miền trung Trung Quốc với khu tự trị bất ổn Tân Cương. Theo dự kiến, tuyến đường mới sẽ giảm thời gian đi từ thành phố Lan Châu tới Urumqi từ 21 giờ xuống còn 8 giờ. |
Hệ thống đường sắt cao tốc tại Trung Quốc bắt đầu phát triển từ năm 2007. Ước tính tới năm 2020, nó sẽ đạt chiều dài sẽ là 16.000km. |
Do giá thấp và rất đúng giờ, hành khách đang dần từ bỏ các hãng hàng không Trung Quốc và đi tàu cao tốc để thay thế. |
Bên cạnh sự phát triển thần tốc, ngành đường sắt Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề bất cập. Dự án lớn này khiến quốc gia đông dân nhất thế giới gánh thêm món nợ lên tới 420 tỷ USD. Cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân dính cáo buộc tham nhũng, phải đối mặt với án tử hình nhưng được hoãn thi hành vào tháng 7/2013. Bộ này bị giải thể sau đó. |
Tháng 7/2011, vụ tai nạn tàu cao tốc tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang khiến 40 người thiệt mạng và 172 người khác bị thương đã làm dấy lên lo ngại về sự an toàn trong các dự án xây dựng đường sắt tại Trung Quốc. |