Nhiều thập kỷ trước, khi ông Chuck Searcy lần đầu quay trở lại Việt Nam, ông bắt đầu quan tâm đến vấn đề chất độc da cam, điều vào thời điểm đó bị chính phủ Mỹ phủ nhận.
“Vào thời điểm đó, chúng tôi, những cựu chiến binh Mỹ, không thể thảo luận về nó một cách công khai”, ông Chuck Searcy phát biểu trong hội nghị "Quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam dưới thời Tổng thống Joe Biden" do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức cuối tuần qua. Ông hiện là Chủ tịch tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ) chi nhánh tại Việt Nam.
“Dần dần, qua nhiều năm, quan điểm của chính phủ Mỹ thay đổi, chúng tôi hiện nhận trách nhiệm về chất độc da cam, cũng như hỗ trợ dọn dẹp rất nhiều các địa điểm ô nhiễm dioxin, và hiện là chuyển hướng nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình chịu ảnh hưởng”, ông nói.
Điều đó phải mất tới một thời gian dài và có những căng thẳng, nhưng theo ông, nhìn chung, “mối quan hệ mang tính xây dựng và đưa chúng ta đến điểm hợp tác như hiện tại”.
Ngày 10/8/1961 là thời điểm quân đội Mỹ khởi đầu cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng chất độc da cam/dioxin. Cuộc chiến quy mô lớn gây hậu quả thảm khốc. Một thống kê chưa đầy đủ cho biết cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, theo Báo Chính phủ.
Nỗ lực của nhóm cựu binh
Theo chia sẻ của ông Chuck Searcy, nhiều cựu binh Mỹ sống sót sau cuộc chiến đã trở thành những người phản đối chính sách của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ. “Chúng tôi xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh và kêu gọi chính phủ dừng lại, gián tiếp thúc đẩy quyết định rút quân của chính quyền Mỹ vào năm 1975”, ông nói.
Sau thời điểm đó, ông Searcy cho rằng con đường hòa giải dường như bị chặn lại. Tuy nhiên, một lần nữa các công dân và cựu chiến binh Mỹ đã từng bước tiếp cận người dân và cựu chiến binh Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, dẫn đến những đột phá trong mối quan hệ song phương.
Ông Chuck Searcy hiện là Chủ tịch tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ) chi nhánh tại Việt Nam. Ảnh: Time. |
Trong đó, ông Searcy nhớ lại lần gặp ông Nguyễn Ngọc Hùng, một giáo viên dạy ngoại ngữ ở Hà Nội và nay đã về hưu, từng tham chiến giai đoạn 1969-1975.
“Nhiều năm trước, vào khoảng cuối những năm 1980, tôi đã gặp ông Nguyễn Ngọc Hùng. Ông ấy đã đi qua nhiều thành phố ở Mỹ để gặp gỡ người dân địa phương”, ông Searcy nhớ lại.
“Một trong những buổi diễn thuyết của ông bắt đầu tại một thị trấn nhỏ ở miền Trung Tây. Khi chương trình sắp bắt đầu, ban tổ chức sự kiện nhận ra trong số khán giả có các cựu binh Mỹ. Họ cho rằng tốt hơn nên hủy bỏ chương trình để tránh mâu thuẫn, nhưng ông Hùng đáp lại ‘xin hãy bắt đầu chương trình và để tôi nói vài lời’”, ông Searcy kể.
Theo ông Searcy, những chia sẻ này sau đó khiến các cựu binh Mỹ và khán giả dường như bắt đầu rũ bỏ hiềm khích. Họ nhìn nhau và như tự nhủ “đó cũng là những gì tôi đã trải qua, điều đó rất khó khăn”.
Vào khoảnh khắc đó, ông Searcy cho rằng ông Hùng đã tạo ra một điểm kết nối giữa các cựu binh Việt Nam và cựu binh Mỹ. Đến cuối buổi thuyết trình, cả hai bên đều bước xuống sân khấu và ôm nhau.
“(Câu chuyện ấy) cho thấy chúng ta đều đang đối mặt với những vấn đề giống nhau - phải điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp với thực tế sau chiến tranh”, ông nói.
Từ những mối quan hệ giữa cựu chiến binh hai nước, ông Searcy và các đồng đội đã thúc đẩy quá trình hòa giải giữa hai quốc gia, “mà đôi khi có những tình huống khiến họ phải chỉ trích chính phủ Mỹ”.
“Chúng tôi yêu cầu họ nỗ lực nhiều hơn, thậm chí đến mức khiến họ khó chịu. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ rằng điều đó đã góp phần vào tiến trình hòa giải”, ông nói.
Mối quan hệ đi đúng hướng
Theo ông Searcy, ban đầu, giới chức Mỹ từng không muốn chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì liên quan đến chất độc da cam, đồng thời không tin rằng điều đó gây ra dị tật bẩm sinh, cũng như các vấn đề về y tế. Họ từ chối thảo luận về nó.
Chính phủ Mỹ phải mất nhiều năm để thay đổi hướng đi, bắt đầu thừa nhận vấn đề nghiêm trọng liên quan đến chất độc da cam ở Việt Nam và chịu trách nhiệm về nó, ông Searcy nhận định.
Ông Chuck Searcy (trái) tham dự hội nghị cùng các chuyên gia vào ngày 5/8, tại Đại học Fulbright. Ảnh: Đại học Fulbright. |
Tuy nhiên, các nỗ lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh ban đầu chỉ giới hạn quanh việc tẩy rửa điểm nóng dioxin - một hoạt động mang tính kỹ thuật và rất tốn kém. Trong khi đó, ông chỉ ra rằng các gia đình chịu đựng hậu quả từ chất độc da cam trong thời gian dài vẫn không nhận được hỗ trợ nào.
Và điều đó hiện đã thay đổi, ông cho hay.
“Đã có một sự thay đổi đáng kể từ phía chính phủ Mỹ, với cam kết hỗ trợ 65 triệu USD trong vòng 5 năm tới thông qua việc hỗ trợ những gia đình có nhu cầu và một số tỉnh. Vì vậy, đó là một khởi đầu quan trọng. Đó là một sự thay đổi lớn về hướng đi”, vị cựu chiến binh Mỹ nhận định.
Vào năm 2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố một cam kết mới, cung cấp thêm 65 triệu USD viện trợ nhân đạo cho những nạn nhân “ở các vùng bị rải chất độc da cam và ô nhiễm bởi dioxin” tại Việt Nam. Số tiền sẽ được chuyển qua Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy, được đặt theo tên của người sáng lập, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, theo New York Times.
“Tôi cho rằng việc Mỹ hiện sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các gia đình ở Việt Nam đang chịu hậu quả của chất độc da cam là một bước phát triển rất đáng hoan nghênh”, ông nói.
Sự ủng hộ của Việt Nam
Theo ông, chính phủ Việt Nam đã kiên trì vượt qua nhiều khó khăn trong những năm đầu xây dựng mối quan hệ giữa hai nước, và tạo điều kiện cho các cựu chiến binh cùng làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, kiên trì từ phía người dân và chính phủ.
“Có những sáng kiến ngoại giao được thực hiện bởi các cựu chiến binh và nhiều người dân khác. Họ cũng ủng hộ các sáng kiến ngoại giao của chính phủ”, ông nói.
Khi được hỏi về những khó khăn khi lần đầu trở về Việt Nam và giúp đỡ hàn gắn vết thương chiến tranh, ông Searcy cho biết không có bất kỳ khó khăn nào, cũng như rất ít thử thách, chẳng hạn do rào cản ngôn ngữ. “Tôi nhận được sự hợp tác từ phía chính phủ Việt Nam, từ các tổ chức và người dân ở đây”, ông cho biết.
Liên quan đến vai trò của các cựu chiến binh trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, ông Searcy cho rằng người dân lắng nghe họ, và các cựu chiến binh Việt Nam cũng dành được nhiều sự tôn trọng.
“Vì thế, nếu chúng ta tiếp xúc chặt chẽ với những diễn biến ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rằng mối quan hệ đó đang đi đúng hướng”, ông nói.