Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia UNDP: Việt Nam cần năng động hơn với thị trường Mỹ

Tiến sĩ Jonathan Pincus và một số chuyên gia khác lưu ý Việt Nam cần có những cải tiến để có thể đưa hợp tác kinh tế với Mỹ đi xa hơn. 

Phát biểu tại hội nghị "Quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam dưới thời Tổng thống Joe Biden" do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức hôm 5/8, tiến sĩ Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhận định Việt Nam “có sức cạnh tranh rất lớn” ở thị trường Mỹ, nhưng chưa “năng động” bằng một số nước khác.

Điều này có nghĩa là “nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không tăng đáng kể thị phần của họ ở thị trường Mỹ trong những năm qua, chẳng hạn như giày dép hay một số nông sản”, ông giải thích.

Vị chuyên gia cho rằng các nhà xuất khẩu Việt Nam nên năng động hơn để tăng thị phần của mình, nhằm đưa sản phẩm của Việt Nam trở thành những mặt hàng quan trọng hơn đối với thị trường Mỹ.

Chưa đủ năng động

Phát biểu nhân sự kiện kỷ niệm 27 năm quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ, ông Pincus tin rằng “hiệp định thương mại song phương Mỹ và Việt Nam ký kết năm 2001 là một bước đột phá thực sự”, đã mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam.

Viet Nam can nang dong hon o thi truong My anh 1

(Thứ 2, từ trái sang) Tiến sĩ Jonathan Pincus - Chuyên gia kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam; và ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN. Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam.

“Tôi nghĩ một trong những bài học đáng nói nhất về phát triển kinh tế là tầm quan trọng của xuất khẩu. Đối với nền kinh tế Việt Nam, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng từ năm 2001, đó là một bước ngoặt, nối tiếp theo đó là việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, và sau đó là liên tiếp các hiệp định thương mại tự do”, ông nói.

Dẫn chứng các số liệu, ông cho biết Việt Nam đã có thể xuất khẩu rất nhiều mặt hàng sang Mỹ và “có khả năng cạnh tranh cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng về mọi mặt hàng, nhờ chi phí sản xuất thấp”.

Tuy nhiên ông nhận xét rằng dù vậy, thị phần của hàng hóa chưa thực sự cho thấy tầm quan trọng của chúng ở thị trường lớn này.

Ông dẫn chứng Trung Quốc là một trong số các quốc gia năng động hơn, với các mặt hàng công nghệ cao và điện tử của họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, Việt Nam dường như chưa có hàng hóa nào được nhắc đến ở vị thế tương tự.

Lưu ý đến phát triển công nghệ, tiến sĩ cho rằng đây cũng là một lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác phát triển với Mỹ.

“Cạnh tranh kinh tế hiện nay ngày càng gay gắt trong lĩnh vực công nghệ, vì điều này sẽ xác định ai sẽ phát triển các công nghệ của tương lai và ai sẽ kiểm soát chúng”, ông nói. Việc các quốc gia cạnh tranh phát triển công nghệ trong một hệ thống thị trường toàn cầu mở sẽ giúp lan tỏa những lợi ích của công nghệ một cách rộng rãi nhất.

Viet Nam can nang dong hon o thi truong My anh 2

Tiến sĩ Pincus cho rằng Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao tại thị trường Mỹ nhưng chưa đủ năng động. Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam.

Ông tin rằng về lâu dài, Mỹ vẫn là nước có khả năng cạnh tranh mạnh nhất trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, dù “Trung Quốc đang bắt kịp chúng tôi trong nhiều lĩnh vực, với tốc độ chưa từng thấy”.

“Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để Việt Nam trở thành đối tác công nghệ tốt, nhằm tiếp thu cũng như hợp tác phát triển công nghệ mới với Mỹ. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ là một phần thúc đẩy sự thịnh vượng hơn nữa của cả hai nước”, tiến sĩ Pincus gợi ý.

Cần cải tiến nền kinh tế để tương thích hơn với Mỹ

Cùng quan điểm với ông Pincus, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam chưa làm đủ để trở thành một đối tác không thể thiếu đối với Mỹ, không chỉ về mặt xuất khẩu, mà còn cả về mặt thu hút đầu tư.

Để thu hẹp khoảng cách này, ông nói Việt Nam cần có những cải tiến để biến nền kinh tế của mình tương thích hơn với nền kinh tế Mỹ hơn, đặc biệt là tương thích với nhu cầu của các nhà đầu tư Mỹ.

Ông nhận định Việt Nam là một mắt xích mà Mỹ muốn bảo vệ để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu vào thị trường Mỹ, thể hiện qua việc Mỹ rất quan tâm đến việc đảm bảo cho kinh tế Việt Nam ít bị thiệt hại nhất có thể khi bước ra khỏi đại dịch Covid-19.

Viet Nam can nang dong hon o thi truong My anh 3

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho rằng Việt Nam cần và có thể cải tiến nền kinh tế để tương thích hơn với Mỹ. Ảnh: VGP.

“Ngày càng nhiều công ty Mỹ quan tâm đến việc mở rộng hoạt động hiện có của họ tại Việt Nam, hoặc đầu tư mới tại đây. Có thể quan sát thấy trong vài năm qua đã có sự tái tổ chức chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong ngành bán dẫn, chẳng hạn như một số nhà cung cấp của Apple chuyển đến Việt Nam”, ông Thành nói.

Ông cho biết Việt Nam có rất nhiều dư địa cũng như cơ hội để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. “Chúng ta có thể xem xét tới các ngành như máy bay hoặc hàng không, hay ngành năng lượng như LNG (khí tự nhiên hóa lỏng), và toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng”.

Theo ông, việc xem xét phát triển, mở rộng các lĩnh vực này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam. Ông lấy ví dụ việc quy hoạch lưới điện quốc gia có thể giúp mở rộng thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư về năng lượng tái tạo mà rất nhiều diễn đàn kinh tế đang quan tâm.

“Các nhà đầu tư đang nói về những dự án hàng tỷ USD, về cơ bản là các dự án điện gió ngoài khơi. Nhưng một số khung pháp lý của Việt Nam chưa cho phép các khoản đầu tư như vậy ngay lập tức”.

“Tôi nghĩ Việt Nam có cơ hội để nâng cao độ tương thích với nền kinh tế Mỹ, để trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một thị trường mà Mỹ rất khó bước tiếp một cách bình thường nếu thiếu đi chúng ta”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý rằng trong quá trình phát triển kinh tế hơn nữa, các vấn đề tài chính là điểm cần suy xét kỹ lưỡng.

Tiến sĩ Pincus đề nghị Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, cần phải rất thận trọng khi tính đến toàn cầu hóa thị trường tài chính.

“Thị trường tài chính hoạt động khác với hàng hóa thông thường. Những nền kinh tế nhỏ rất dễ bị lấn át bởi các dòng vốn quốc tế, vì những dòng vốn này có thể đổi hướng rất nhanh”, vị chuyên gia giải thích.

Đẩy mạnh hợp tác Việt - Mỹ trong chuyển đổi số, thành phố thông minh

Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM khẳng định Việt Nam có vị thế quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khiến nhiệm kỳ của bà tại TP.HCM càng thêm ý nghĩa.

EU muốn tăng cường thương mại nông sản với Việt Nam

Trong bài viết trên Zing, Cao ủy Nông nghiệp châu Âu Janusz Wojciechowski nói về quan hệ thương mại EU - Việt Nam trên lĩnh vực thực phẩm và đưa ra đề xuất để củng cố quan hệ ấy.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm