Ở Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi tin vào giá trị của lương thực, vì sức khỏe của người dân, vì xã hội của chúng tôi và vì hòa bình của toàn khối.
Kể từ khi thành lập, chúng tôi không chỉ có một niềm tin mạnh mẽ vào giá trị của lương thực, mà còn tin vào giá trị của việc chia sẻ lương thực, như là một cầu nối giữa các nước và nền văn hóa khác nhau, và đó cũng chính là nền tảng của những mối quan hệ toàn cầu rộng mở và hòa bình.
Tôi tin rằng đây cũng là những giá trị mà chúng tôi chia sẻ với Việt Nam. Niềm tin này, cùng sự hy vọng làm mạnh mẽ những giá trị chung của chúng ta, là lý do để tôi đến thăm đất nước các bạn.
Cao ủy Nông nghiệp của Liên minh châu Âu Janusz Wojciechowski sẽ đến thăm Việt Nam trong các ngày 10-14/7 với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản và đồ uống của châu Âu, cũng như khai thác những kết quả tích cực từ Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA). |
Thương mại nông sản EU - Việt Nam có kết quả tốt
Tôi rất vui mừng khi nói rằng quan hệ giữa Việt Nam và EU đang rất tốt đẹp và còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Những trụ cột trong quan hệ của chúng tôi được hiển thị rõ trong những hiệp định song phương, bao gồm Hiệp định Hợp tác và Đối tác Toàn diện (PCA) và Hiệp định Thương mại Tự do EU - VN (EVFTA). Những trụ cột này sẽ tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ hơn bằng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư, sau khi được các quốc gia thành viên phê chuẩn đầy đủ.
Là cao ủy phụ trách vấn đề Nông nghiệp, tôi đặc biệt phấn khích khi chứng kiến những kết quả đạt được trong tiến độ của Hiệp định Thương mại Tự do song phương.
Trong năm 2020-2021, thương mại trong lĩnh vực thực phẩm đã vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19 và đạt tăng trưởng 9%, tương đương 3,5 tỷ EUR. Những con số này thực tế còn cao hơn nếu tính cả các sản phẩm thủy sản và lâm sản, hai mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam.
Cũng do lợi ích của EVFTA, giờ đây người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm trà và cà phê Việt Nam, cùng hàng loạt các mặt hàng đa dạng khác như hạt, gia vị và hoa quả nhiệt đới. Một vài trong số những sản phẩm này được “bảo hộ chỉ dẫn địa lý” theo quy định của EVFTA, như hồng không hạt Bảo Lâm và vải Lục Ngạn.
Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam như gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận quan trọng tới thị trường EU thông qua Hạn ngạch Nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập khẩu vào EU với thuế suất là 0.
EU là thị trường xuất khẩu lớn top 5 của rau quả Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thực phẩm của châu Âu có tính an toàn và chất lượng cao.
Các mặt hàng thực phẩm châu Âu có một di sản vững chắc về các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe. EU kiểm tra nghiêm ngặt mọi bước, từ việc sử dụng thuốc trừ sâu đến khâu đóng gói, để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm của chúng tôi với sự đảm bảo chất lượng đầy đủ nhất.
Chúng tôi cũng đặt mục tiêu sản xuất các mặt hàng thực phẩm hướng tới có lợi cho môi trường. Chúng tôi hỗ trợ nông dân áp dụng các các hoạt động sinh thái (như chất hữu cơ) và đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới và công nghệ để tạo ra những hệ thống nông trang bền vững.
Và trong khi các mặt hàng thịt của châu Âu đạt những tiêu chuẩn hiện đại nhất, thì đây cũng là di sản của hàng thế kỷ.
Thông qua hệ thống chỉ dẫn địa lý, chúng tôi bảo vệ các hương vị và phương pháp truyền thống, bảo tồn các liên kết độc đáo cũng những vùng đất và kiến thức địa phương như phô mai Roquefort, rượu vang Porto, rượu Irish Cream và thịt nguội Prosciutto di Parma. Đây là những sản phẩm tuyệt vời đến từ châu Âu mà tôi tự hào giúp người tiêu dùng Việt Nam khám phá.
Tôi rất vui khi thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thịt, sữa và ngũ cốc do nông dân của chúng tôi sản xuất. Trái cây, rau và dầu ôliu là một vài trong số các sản phẩm của châu Âu mà người tiêu dùng bắt đầu khám phá.
Tăng cường thương mại EU và VN
Nhờ EVFTA, thương mại nông sản giữa EU và Việt Nam được ước tính sẽ tăng trưởng hơn nữa vào năm 2022. Để đảm bảo mức tăng trưởng này mạnh mẽ và bền vững, tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện một số bước quan trọng.
Thứ nhất, cán cân thương mại nông sản của chúng ta nghiêng đáng kể về phía Việt Nam, với chênh lệch khoảng một tỷ EUR.
Tôi nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ để tăng tỷ trọng xuất khẩu của EU trong cán cân này, như một yếu tố trong sự gia tăng thương mại song phương.
Đạt được sự cân bằng như vậy là điều cần thiết để đảm bảo mối quan hệ thương mại của chúng ta có thể đạt hiệu quả trong tương lai.
Cá ngừ Việt Nam - một trong những mặt hàng mũi nhọn của ngành thủy sản nước nhà - được xóa bỏ thuế quan sang EU khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tôi cũng tin rằng chúng ta có thể thêm các sản phẩm mới - từ cả Việt Nam và EU - vào danh sách các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong EVFTA.
Cuối cùng, tôi mong được làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam về việc dỡ bỏ một số rào cản thương mại hiện có, đặc biệt là về tiếp cận thị trường vệ sinh và kiểm dịch động thực vật. Việc tăng đáng kể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn cũng là mối lo ngại đối với các nhà xuất khẩu EU.
Loại bỏ những rào cản này là điều cần thiết để duy trì thương mại mở tự do, một yếu tố ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đứng trước các mối đe dọa.
Tôi mong muốn được trao đổi với Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đồng nghiệp trong Chính phủ về những chủ đề này. Tôi tin rằng chúng ta có thể làm việc cùng nhau để tìm ra các giải pháp thiết thực và các thỏa thuận vững chắc cùng có lợi.
Phát triển hơn nữa nông sản Việt
Bên cạnh các hoạt động chính trị, tôi tự hào dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp lớn đến Việt Nam.
Khoảng 50 đại diện doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng tôi, hướng đến các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác Việt Nam.
Chương trình làm việc bao gồm các diễn đàn kinh doanh, các cuộc họp chuyên ngành và bữa tối VIP tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm thiết lập các mối quan hệ cùng có lợi cho việc kinh doanh trong tương lai.
Trong chuyến thăm của mình, tôi cũng dự định dẫn dắt các trao đổi về cách thức EU và Việt Nam có thể hỗ trợ lẫn nhau hơn nữa trong việc phát triển các ngành nông sản hiện đại, linh hoạt và bền vững hơn.
Tôi có lưu ý về Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam, được ra mắt thời gian gần đây, trong đó bao gồm nhiều ưu tiên tương đồng với chiến lược Farm to Fork (Từ Nông trang tới Bàn ăn) của EU, cũng như với các yếu tố khác trong Thỏa thuận xanh của EU.
Xuất khẩu gạo sang EU 4 tháng đầu năm đã đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Riêng quý một, xuất khẩu gạo sang châu Âu tăng gần 4 lần về lượng và 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ 2021. Ảnh: Việt Linh. |
Là một phần của các ưu tiên chung của chúng ta, các viện nghiên cứu Việt Nam đã được hưởng lợi từ chương trình Horizon (Chân trời) của EU về nghiên cứu và đổi mới. Các dự án do EU hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm từ việc tích hợp cây cà phê vào các hệ thống nông lâm kết hợp đến tăng cường chuỗi giá trị lương thực và các tương tác qua lại trong mạng lưới.
Hôm nay, tôi vui mừng thông báo rằng EU cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành ca cao ở Việt Nam thông qua một dự án mới có tên gọi “Ca cao Sản xuất qua Kinh tế Tuần hoàn: Từ Hạt đến Thanh”, với khoản tài trợ của EU trị giá 1.550.000 EUR.
Dự án này trở thành một phần của danh sách quan trọng các dự án khác do EU hỗ trợ, được thiết kế để giúp giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường mà Việt Nam phải đối mặt, đồng thời để phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là cho các nông hộ nhỏ.
Để hiểu rõ hơn về những thách thức cụ thể trên thực địa, tôi sẽ gặp gỡ một số nhà sản xuất Việt Nam trong chuyến thăm này, bao gồm nông dân trồng chè hữu cơ ở Hà Nội tại Công ty chè hữu cơ Hiệp Thành, thăm hợp tác xã Mỹ Tịnh An và một trang trại thanh long ở gần TP.HCM.
Tôi mong muốn được nói chuyện với những người nông dân Việt Nam và khám phá về những điều chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, về các chủ đề như tích hợp nông nghiệp thông minh, canh tác hữu cơ và phát triển các ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tôi tin rằng bằng cách khám phá những điểm tương đồng và xác định các mục tiêu chung, chúng ta có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho sự hợp tác trong tương lai.
Và khi chúng ta đối mặt với một thế giới của xung đột và khủng hoảng, sự hợp tác như vậy là cần thiết hơn bao giờ hết.
Có một câu nói ở Ba Lan, quê hương của tôi, đó là "Z kim się zadajesz, takim się stajesz”. Nó có nghĩa là "Bạn trở thành người mà bạn kết bạn”.
Với tinh thần này, tôi mong muốn được kết bạn với người dân Việt Nam, để chúng ta gần nhau hơn, trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và trong tương lai của chúng ta.
* Tựa bài và các tít phụ do Zing đặt.