Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giáo sư Harvard: Việt Nam đang trở thành cửa ngõ xuất khẩu hiệu quả

Giáo sư David Dapice tin rằng nền thương mại Việt Nam đang phát triển tốt, và có tiềm năng hơn nữa nếu tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Giao su Harvard nhan dinh ve kinh te Viet Nam anh 1

"Ở Việt Nam là lựa chọn tốt. Tôi không nói mọi thứ sẽ dễ dàng, nhưng so với các nước khác, Việt Nam đang phát triển đúng hướng", giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế của Chương trình Việt Nam tại Trường Kennedy của Đại học Harvard - nói về năng lực của Việt Nam trước biến động kinh tế toàn cầu hiện nay, đặc biệt từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Chia sẻ sâu hơn với Zing sau cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 14/5 tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ, giáo sư Dapice đã phân tích những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời đề xuất các giải pháp.

"Tôi nghĩ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, chủ yếu vì kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng một lần nữa, Việt Nam tự chủ về lương thực và sản xuất phân bón", ông Dapice nói.

Giáo sư đánh giá cao tầm nhìn của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi tọa đàm, đồng thời tin rằng thương mại Việt Nam đang phát triển tốt và có lợi thế so với các nước trong khu vực, nhưng nên hướng đến việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo hiện có để duy trì, thu hút đầu tư FDI và phát triển bền vững hơn.

“Lần cuối cùng tôi xem xét các số liệu của Việt Nam, toàn bộ tăng trưởng lực lượng lao động ở Việt Nam đã đổ vào FDI. Đất nước đã mở rộng xuất khẩu và nhiều người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc dịch vụ có năng suất thấp đã chuyển đến các nhà máy, nơi họ có thu nhập cao hơn, giúp xóa đói giảm nghèo. Điều đó sẽ rất có lợi để Việt Nam trở thành một cửa ngõ xuất khẩu hiệu quả”, ông Dapice chia sẻ với Zing.

Bước tiến của Việt Nam trong khu vực

- Ông đánh giá như thế nào về vị thế kinh tế của Việt Nam, đặc biệt sau bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học Harvard hôm 14/5? Điều gì trong bài phát biểu của Thủ tướng để lại ấn tượng nhất đối với ông?

- Thủ tướng cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi và cần tiếp tục làm việc để hưởng lợi hơn nữa từ hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhận thấy rằng để duy trì được nền kinh tế độc lập và phát triển mạnh mẽ hơn, Việt Nam phải hành động để tăng tốc phục hồi và nâng cao năng lực kinh tế, có thể chống chọi trước các cú sốc địa chính trị và tự nhiên. Đây là một đánh giá quan trọng và tôi hoàn toàn đồng ý.

Giao su Harvard nhan dinh ve kinh te Viet Nam anh 2

Giáo sư David Dapice trong cuộc phỏng vấn với Zing. Ảnh: Trần Hoàng - Hồng Ngọc.

Yêu cầu này sẽ đòi hỏi đất nước cần có kỹ năng quản lý mọi rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt do Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các hệ quả, xu hướng chuyển dịch và tái phân bổ cơ sở sản xuất về các quốc gia gần thị trường tiêu thụ (nearshore).

Thủ tướng cũng cam kết hướng tới năng lượng xanh. Tôi cho rằng Việt Nam có thể là nước đi đầu khu vực trong vấn đề này nếu có thể thuyết phục được các tổ chức liên quan làm việc cùng nhau để vượt qua thách thức phức tạp và quan trọng này.

Nếu phát triển các kỹ năng quản lý trong việc kết hợp năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, Việt Nam có thể chia sẻ hoặc bán các kỹ năng mới của mình cho các quốc gia khác.

- Giáo sư có thể chia sẻ về những giải pháp để Việt Nam thu hút FDI, đặc biệt là sử dụng thuế bất động sản như đề xuất tại Đại học Harvard?

- Việc dựa vào dòng vốn FDI cao có thể không còn dễ dàng như trước, do các quốc gia có xu hướng chuyển dịch sản xuất “nearshore”. Những dòng vốn này từng hữu ích cho tăng trưởng và giảm nghèo tại Việt Nam.

Có 3 giải pháp giúp Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn FDI. Một là xây dựng nguồn năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp FDI. Việt Nam có hàng nghìn MW pin năng lượng Mặt Trời chưa được tận dụng do thiếu đường tải điện, và các công ty tư nhân tại Việt Nam mong muốn kết nối nguồn năng lượng đó đến các vùng công nghiệp FDI. Năng lượng gió và pin (Mặt Trời) sẽ trở thành nguồn cung đáng kể, và những điều này có thể hoàn thành trong một hoặc hai năm tới nếu chính phủ quy hoạch đất cho đường dây tải điện.

Hai là nâng cao giá trị trong nước bằng cách giúp các doanh nghiệp địa phương cung cấp nhiều đầu vào cho xuất khẩu. Bằng việc phát triển một khu vực sản xuất năng động và có năng lực, nguồn FDI hiện tại nhiều khả năng sẽ được duy trì, đồng thời thu hút thêm những nguồn đầu tư mới.

Giao su Harvard nhan dinh ve kinh te Viet Nam anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Đại học Harvard, Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: VGP.

Ba là duy trì chính sách “làm bạn với tất cả” để đa dạng hóa và kết nối thêm nhiều đối tác thương mại. Xuất khẩu lúc này sẽ được phân bổ rộng rãi thay vì chỉ tập trung vào một vài thị trường lâu đời.

Do đó, đề xuất thí điểm thuế bất động sản - cho phép địa phương sử dụng thuế này để đầu tư mà không dùng ngân sách quốc gia - sẽ khó có hiệu lực ngay lập tức, nhưng theo thời gian, nếu được thực hiện cẩn thận và áp dụng rộng rãi, sẽ mang lại nguồn thu cho thành phố.

Việt Nam từ chỗ chỉ xuất khẩu lương thực và khoáng sản, đã mở rộng xuất khẩu quần áo, giày dép, bây giờ là máy móc và điện tử.

Giáo sư David Dapice

- Theo ông, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh gì so với các nước ASEAN khác?

- Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước tại ASEAN đang thay đổi. Việt Nam từ chỗ chỉ xuất khẩu lương thực và khoáng sản, đã mở rộng xuất khẩu quần áo, giày dép, bây giờ là máy móc và điện tử. Khi giáo dục, đào tạo và kỹ năng được cải thiện, Việt Nam sẽ phát triển thêm các lĩnh vực xuất khẩu sẵn có, và có nhiều lĩnh vực mới, bao gồm dịch vụ.

Tôi nghĩ Việt Nam đang có một nền thương mại khá tốt, vì nhiều lý do. Việt Nam quản lý mọi thứ tốt, có một lực lượng lao động được đào tạo, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhiều công trình được khánh thành, và các khu công nghiệp tiềm năng. Quy mô GDP cho thấy Việt Nam đang có lượng xuất khẩu khổng lồ.

Cần chủ động nhưng thận trọng

- Giáo sư có thể chia sẻ về lập trường của Việt Nam đối với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) sau buổi tọa đàm tại Đại học Harvard?

- Thành thật mà nói, về mặt nào đó, IPEF hiện tại chưa thực sự rõ ràng. Tôi nghĩ nếu Mỹ không thể đảm bảo ổn định chính sách thương mại của mình bằng cách thông qua một đạo luật, như trở lại TPP (nay là CPTPP - PV), hoặc một hiệp ước, thì vị thế của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ yếu hơn. Cần phải có một vị thế cân bằng, không chỉ về an ninh - điều mà tôi nghĩ đã được xem xét thấu đáo, mà còn về sự tham gia kinh tế và thương mại. Tôi nghĩ rằng điều đó vẫn chưa hoàn thiện và cần phải làm nhiều hơn nữa.

Nếu tôi là Việt Nam, tôi sẽ thận trọng. Rõ ràng Mỹ là một thị trường lớn và Việt Nam muốn nắm bắt thị trường này. Tuy nhiên, Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống 4 năm một lần, và đây là một vấn đề mà Việt Nam phải xoay xở để thuyết phục các chính quyền khác nhau của Mỹ tham gia hoàn toàn vào khu vực này.

Giao su Harvard nhan dinh ve kinh te Viet Nam anh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Thư viện Đại học Harvard. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

- Theo giáo sư, Việt Nam cần làm gì để tránh vấp phải vi phạm thương mại với Mỹ, khi có những lo ngại về việc Mỹ thâm hụt thương mại ròng với Việt Nam?

- Thặng dư thương mại với Mỹ ngày càng tăng. Điều này phần lớn từ chính sách của Washington. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tăng lãi suất để giảm lạm phát và tăng giá trị USD. Tuy vậy, việc thay đổi tỷ lệ lạm phát không phản ánh nhiều đến bức tranh thương mại.

Cách tốt nhất là tăng nhập khẩu từ Mỹ và duy trì đối thoại với Washington. Việt Nam có thể trao đổi với phía Mỹ rằng thâm hụt thương mại không mang nhiều ý nghĩa khi điều này xuất hiện ở các nước châu Á. Phần lớn giá trị hàng điện tử xuất khẩu đến từ các quốc gia châu Á khác, trong đó việc lắp ráp tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị.

- Theo giáo sư, đâu là giải pháp giúp Việt Nam vượt qua những thách thức trước mắt về giá và nguồn cung năng lượng do các biến động địa chính trị?

- Trước hết, phản ứng của châu Âu khi cắt giảm dầu khí của Nga đang khiến giá dầu và khí đốt trên toàn thế giới tăng cao hơn nhiều. Giá dầu đã tăng lên từ ​​70-80 USD/thùng lên tới 110 USD/thùng hoặc hơn. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng tăng mạnh, có thời điểm tăng gấp 2, 3 lần.

Nếu tôi là Việt Nam, tôi sẽ không muốn bỏ ra 4.000-7.000 đồng để mua mỗi kWh điện sản xuất LNG. Tôi muốn bạn biết rằng chúng ta chỉ cần hơn 1.000 đồng để mua mỗi kWh điện từ năng lượng Mặt Trời.

Việt Nam nên hướng tới sản xuất dựa trên năng lượng tái tạo.

Giáo sư David Dapice

Đó là điều mà tôi nghĩ Việt Nam nên hướng tới, dù không dễ thực hiện.

Sản xuất năng lượng tái tạo cần có kỹ năng, cấu trúc quản lý và cấu trúc thông tin mới, và cần có thời gian. Nếu Việt Nam đang làm việc cùng với đối tác để nâng cấp hệ thống truyền tải điện của mình, hãy mua một lượng pin (Mặt Trời) dự trữ để ổn định lưới điện.

Tôi nghĩ trong vòng một hoặc hai năm, Việt Nam có thể có thêm một lượng lớn năng lượng mà không cần phải nhập khẩu LNG đắt đỏ. Ngay cả than bây giờ cũng rất đắt, gấp đôi so với trước đây.

Việt Nam cũng có khả năng đáp ứng các nhu cầu khác nhau, từ điện tử, máy móc, đến quần áo, giày dép. Và tất nhiên, nguyên liệu thô của Việt Nam cung cấp cho các bạn cơ sở rộng hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, bạn biết đấy, nếu tôi là một nước phát triển, tôi nghĩ ở Việt Nam sẽ là một lựa chọn khá tốt.

Mỹ nhất quán trong quan hệ với ASEAN Ông Andreyka Natalegawa, chuyên gia tại CSIS, nhận định Mỹ có sự nhất quán trong chính sách tiếp cận khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện qua cả ba thời tổng thống gần nhất.

Chuyên gia CSIS: Ba thời tổng thống Mỹ đều đề cao quan hệ với Việt Nam

Chuyên gia tại CSIS nhận định cả ba thời tổng thống Mỹ đều công nhận tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, bao gồm mối quan hệ với Việt Nam.

Thông điệp qua các bài phát biểu của Thủ tướng ở Mỹ

Các phát biểu của Thủ tướng ở Mỹ thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam và mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Trần Hoàng - Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm