“Tôi nghĩ rằng cả ba tổng thống Mỹ gần đây đều công nhận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á có tầm quan trọng thiết yếu đối với luật pháp và an ninh quốc tế”, Andreyka Natalegawa, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), chia sẻ với Zing về sự nhất quán trong chính sách của Washington đối với Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Andreyka Natalegawa, chuyên gia tại CSIS, trong cuộc phỏng vấn với Zing. Ảnh: Hải Linh - Vân Đinh. |
Việc lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm ngoại giao ở Indonesia (cha ông là Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia giai đoạn 2009-2014 - PV) cũng giúp vị chuyên gia nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của mối quan hệ ASEAN - Mỹ.
“Việc vừa sống ở Đông Nam Á, Mỹ, và cũng có thời gian ở Trung Quốc giúp tôi hiểu được mối quan hệ giữa Mỹ và các nước ASEAN quan trọng như thế nào”, ông nói.
Vị chuyên gia cũng nhận định tầm quan trọng đang ngày càng gia tăng của Việt Nam trong khu vực và trong chính sách của Mỹ. Sau khi dự buổi phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở CSIS ngày 11/5, ông Natalegawa bày tỏ "hoàn toàn đồng tình" với những vấn đề mà Thủ tướng đã nêu.
Tầm quan trọng của ASEAN
Trao đổi với Zing về mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN trong những năm qua, ông Natalegawa cho biết hai bên đã hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục.
“Giáo dục đóng một vai trò quan trọng và Mỹ, với tư cách là trung tâm đổi mới và giáo dục hàng đầu, là một điểm đến tuyệt vời cho sinh viên Đông Nam Á”, ông Natalegawa nói, đồng thời viện dẫn sự tăng cường hỗ trợ của Mỹ đối với các chương trình giáo dục như YSEALI và các loại học bổng khác.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đến thông báo mà chính quyền ông Biden đưa ra trong ngày đầu tiên của Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN. Chúng hàm chứa nhiều lĩnh vực cụ thể, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng, dự án và chương trình năng lượng sạch, bảo vệ rừng,...
“Tôi nghĩ Washington thực sự quan tâm đến việc hợp tác với các nước Đông Nam Á, đặc biệt trong các vấn đề như khí hậu”, ông cho biết.
Cả ba tổng thống Mỹ gần đây đều công nhận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á có tầm quan trọng thiết yếu đối với luật pháp và an ninh quốc tế.
Chuyên gia Andreyka Natalegawa
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng cũng là điều cả hai bên quan tâm.
Trao đổi với Zing về chính sách của các thời tổng thống Mỹ đối với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, ông Natalegawa cho biết tuy mức độ thành công và việc thực hiện một số mục tiêu đã đề ra có thể khác nhau, “cả 3 vị tổng thống đều công nhận Việt Nam và Đông Nam Á là quan trọng”.
Về vấn đề này, ông đã viện dẫn các chuyến công du của ông Obama đến Đông Nam Á, hay chuyến thăm của ông Trump đến Việt Nam.
“Như vậy, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong chính quyền của cả hai cựu tổng thống. Và tôi nghĩ quan điểm đó sẽ được tiếp nối trong chính quyền Biden”, vị chuyên gia nói.
Ông cũng bày tỏ sự đồng tình với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại CSIS vào ngày 11/5.
“Tôi hoàn toàn đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tầm quan trọng của sự chân thành, tin cậy, trách nhiệm”, vị chuyên gia chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
“Những động lực này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức trong nước và khu vực, đặc biệt khi nhìn vào mối quan hệ Việt - Mỹ”, ông nói thêm.
Chứng kiến sự phát triển của mối quan hệ Việt - Mỹ trong 30 năm qua, ông Natalegawa nhận định lý do chính nằm ở “cảm giác chân thành, tình cảm và tinh thần trách nhiệm đó”, viện dẫn sự hợp tác giữa hai nước trong những vấn đề như xử lý hậu quả chiến tranh.
Theo ông Natalegawa, lòng tin và trách nhiệm tạo ra nền tảng thực sự để Mỹ và Việt Nam hợp tác giải quyết các thách thức trong khu vực và quốc tế.
“Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi và năng động. Có rất nhiều cách mà Mỹ có thể làm việc cùng với Hà Nội để giải quyết một số thách thức về tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng”, ông Natalegawa nhận định.
Những cơ hội chưa khai phá
Theo ông Natalegawa, nếu xem xét chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và cố gắng xác định một số điểm chưa phát triển mạnh, điều nổi bật nhất là sự gắn kết về kinh tế.
“Sự gắn kết kinh tế là một trong những khía cạnh yếu hơn của Mỹ trong việc hợp tác rộng rãi ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương những năm gần đây”, ông cho biết.
“Hợp tác chính trị và an ninh đã rất tuyệt vời. Nhưng kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017, đã có một khoảng trống thực sự trong vai trò lãnh đạo và quan hệ đối tác của Mỹ, cũng như trong việc đặt ra các quy tắc nền tảng cho nền kinh tế khu vực”, vị chuyên gia nhận định.
Cuộc họp Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN ngày 13/5 tại Washington. Ảnh: Reuters. |
“Rất rõ ràng là các thỏa thuận như RCEP và CPTPP không có sự tham gia của Mỹ. Vì vậy, chính quyền Biden đang cố gắng bù đắp lỗ hổng này thông qua khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, vị chuyên gia chỉ ra rằng khuôn khổ kinh tế này không phải một thỏa thuận thương mại, không cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Điều đó đồng nghĩa sẽ có những việc không thể thực hiện thông qua khuôn khổ này. Vị chuyên gia bày tỏ hy vọng rằng thông qua các cuộc đàm phán trong tương lai, các vấn đề này sẽ dần được khắc phục.
Vị chuyên gia cho biết sự cạnh tranh địa chính trị ở Đông Nam Á là vấn đề không còn xa lạ và khu vực phải đối mặt với thực tế này. Những bên đang tăng cường tham gia vào tình hình khu vực gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Liên minh châu Âu.
Điều quan trọng là ASEAN có thể đưa ra một chương trình nghị sự tích cực mà không bị lấn át bởi chương trình nghị sự của các quốc gia hay cường quốc khác.
Chuyên gia Andreyka Natalegawa
“Tuy nhiên, các nước đã có thể ứng phó khá tốt, nhờ khả năng cân bằng các thế lực, cũng như cố gắng duy trì ý thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, ông phân tích.
"Một điều tôi muốn nhấn mạnh là các nước Đông Nam Á có chủ quyền, quyền tự quyết, khả năng lựa chọn và đưa ra quyết định của riêng mình. Đó cũng là điều Mỹ coi trọng", ông Natalegawa nói.
Theo vị chuyên gia, chìa khóa là các nước ASEAN làm thế nào để tận dụng mạng lưới đối tác này. ASEAN có rất nhiều đòn bẩy và sức mạnh, vấn đề chỉ là mức độ hợp tác trong nội bộ.
Do đó, theo ông Natelagawa, điều cần làm hiện nay là xây dựng niềm tin trong nội bộ ASEAN, duy trì sự thống nhất và gắn kết.
“Điều quan trọng là ASEAN có thể đưa ra một chương trình nghị sự tích cực mà không bị lấn át bởi chương trình nghị sự của các quốc gia hay cường quốc khác”, ông nói.