Trong "tuyên bố tầm nhìn chung" gồm 28 điểm sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, hai bên đã có bước đi được coi là biểu tượng khi nâng cấp quan hệ thành "Đối tác chiến lược toàn diện" vào tháng 11, Reuters đưa tin.
"Quan hệ được nâng tầm sẽ có ý nghĩa, thực chất và mang lại lợi ích chung", các lãnh đạo ASEAN và Mỹ cho biết trong tuyên bố chung.
Về tình hình Ukraine, các bên khẳng định "tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ".
Trong phiên họp hôm 13/5, Tổng thống Joe Biden khẳng định quan hệ ASEAN - Mỹ đã bước sang "kỷ nguyên mới", đồng thời thông báo đề cử Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Yohannes Abraham làm đại sứ Mỹ tại ASEAN, vị trí bỏ trống từ khi cựu tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi tháng 1/2017.
"Một phần lớn lịch sử của chúng ta trong 50 năm tới sắp được viết tại các nước ASEAN, và mối quan hệ giữa chúng tôi với các bạn là tương lai, trong những thập niên sắp tới”, tổng thống Mỹ tuyên bố.
Cuộc họp Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN ngày 13/5 tại Washington. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nói rằng Washington sẽ tiếp tục hiện diện tại Đông Nam Á "trong nhiều thế hệ", nhấn mạnh nhu cầu cần duy trì tự do hàng hải.
"Mỹ và ASEAN chia sẻ tầm nhìn về khu vực này, cùng nhau chúng ta sẽ đề phòng các mối đe dọa với quy tắc và chuẩn mực quốc tế", bà Harris nói.
Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN đánh dấu lần đầu tiên các lãnh đạo ASEAN họp tại Washington. Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Biden hy vọng những nỗ lực này cho thấy Mỹ vẫn tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các thách thức lâu dài của Trung Quốc, đối thủ chiến lược chính của Mỹ.