Trả lời Zing tại một hội thảo kỷ niệm 27 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ hôm 5/8, thiếu tướng, GS TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) - cho biết vai trò quốc phòng và an ninh của Việt Nam trong khu vực ngày càng trở nên quan trọng.
Không chỉ các nước trong khu vực, Việt Nam còn có quan hệ quốc phòng rộng rãi với hơn 100 quốc gia, đặc biệt là 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông nói.
Giáo sư Quân cho biết Việt Nam độc lập tự chủ trong đường lối đối ngoại, có năng lực quốc phòng được đánh giá cao, cũng như đất nước đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử - những điều đã khẳng định bản lĩnh, phẩm chất của quân đội Việt Nam, nâng cao uy tín của đất nước.
"Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn hiện nay, việc Việt Nam bình tĩnh, có thái độ xây dựng, không ngã về bên nào đã làm tăng thêm tính chính nghĩa và nhận sự tin tưởng của quốc tế", ông Nguyễn Hồng Quân nói.
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, giáo sư Nguyễn Hồng Quân cho rằng Việt Nam cần tính toán nhiều mặt, tránh đưa ra quyết định làm thay đổi cán cân quan hệ khiến các nước nghĩ rằng Việt Nam ngả về một bên.
"(Cân bằng quan hệ) sẽ giúp các nước lớn thấy và coi trọng vai trò của Việt Nam, có lợi cho Việt Nam nói riêng cũng như hòa bình, an ninh khu vực", ông Quân nói.
Quan hệ Việt - Mỹ vượt qua những khác biệt
Cũng tại buổi hội thảo, Đại sứ Phạm Quang Vinh, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho rằng bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đạt được nhiều kết quả không chỉ về kinh tế mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.
Trong khi đó, đánh giá về quan hệ Việt Nam – Mỹ suốt 27 năm qua, tại hội nghị, tiến sĩ Murray Hiebert, Trưởng nhóm nghiên cứu, hãng tư vấn BowerGroupAsia, cho rằng cả hai nước cùng chia sẻ sự tương đồng về lợi ích và có những mối quan tâm chung với các vấn đề trong khu vực.
Theo ông Murray, bên cạnh hợp tác an ninh, sự hợp tác về văn hóa, thương mại, giải quyết hậu quả chiến tranh cũng khiến hai nước xích lại gần nhau hơn.
Ông cũng nhắc lại những bước tiến quan trọng trong hợp tác an ninh của hai nước khi trong nhiều năm qua, các đời bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng có các chuyến thăm đến Việt Nam, gần nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến Việt Nam vào tháng 7/2021.
Từ trái sang, GS TS Nguyễn Hồng Quân, Đại sứ Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, tại hội thảo ngày 5/8. Ảnh: Đại học Fulbright. |
Giáo sư Nguyễn Hồng Quân nói rằng việc ông Austin thăm Việt Nam khẳng định Washington tiếp tục coi trọng quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Ông Quân cũng viện dẫn tài liệu Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời mà chính quyền Joe Biden công bố hồi tháng 3/2021. Theo đó, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á (cùng Singapore) được Mỹ nhắc đích danh trong việc muốn tăng cường sâu rộng quan hệ đối tác, chia sẻ những giá trị chung. Điều này cho thấy Mỹ dành mối quan tâm đặc biệt và đề cao vai trò của Việt Nam, ông Quân nhận định.
Về thương mại quốc phòng, theo giáo sư Nguyễn Hồng Quân, Việt Nam đã từng bước đa dạng hóa các đối tác. Từ năm 2010, Việt Nam đã có thêm nhiều hợp đồng mua bán quốc phòng với các nước khác (như Mỹ, Israel, Pháp hay Canada) bên cạnh Nga hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam.
Từ cựu thù thành đối tác quan trọng
Giáo sư Quân cho hay chuyến thăm của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã khẳng định quan hệ an ninh song phương. Ngoài ra, hai bên mong muốn thúc đẩy tăng cường trao đổi cấp cao, bao gồm giải quyết di sản chiến tranh, tiếp tục thương mại quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác an ninh biển, ứng phó những thách thức an ninh phi truyền thống.
Trong những lĩnh vực này, ông Quân nhấn mạnh vấn đề hợp tác an ninh biển giữa hai nước, đánh giá cao việc Mỹ cung cấp những xuồng tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam, giúp cải thiện năng lực tuần tra, thực thi pháp luật trên biển.
Hợp tác an ninh biển còn giúp tăng cường tập huấn cho cảnh sát biển Việt Nam về luật pháp quốc tế. Từ đó cảnh sát biển có thể hướng dẫn ngư dân về việc chấp hành luật quốc tế để người dân yên tâm đánh bắt thủy sản trên các vùng biển Việt Nam, tránh vi phạm quy định khai thác thủy sản IUU, theo ông Quân.
Trong khi đó, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh hai nước có tiềm năng lớn trong hợp tác các vấn đề liên quan đến phát huy vai trò của luật pháp quốc tế, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Đại sứ cũng nhắc lại phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris về việc mong muốn nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ từ Đối tác Toàn diện thành Đối tác Chiến lược khi bà có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021.
Ông Vinh cho rằng trong suốt 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu và trên thực tế, hợp tác đã ở tầm đối tác chiến lược. Đây là động lực quan trọng giúp quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai, vì sự phát triển thịnh vượng của hai nước và cả khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5. Ảnh: TTXVN. |
Đối với tình hình khu vực, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore), cho biết chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã có những thay đổi so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Ông Biden muốn ưu tiên hợp tác kinh tế, trong khi vẫn duy trì kết nối về an ninh, đặc biệt thông qua sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) mà Washington đang thảo luận với các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam.
Bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn và tầm quan trọng của khu vực ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đặt ra thách thức với vai trò trung tâm ASEAN trong việc xác định rõ lập trường về các vấn đề khu vực.
Điều này cũng phần nào tạo động lực để vào năm 2019, khối đã công bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giúp các nước thành viên có thể chia sẻ lập trường chung về chiến lược của Mỹ cũng như các quốc gia khác đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.