"Các thỏa thuận đã được ký kết về việc chuyển giao tài sản tại Nga của Tập đoàn Renault cho Liên bang Nga và chính phủ Moscow", Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga thông báo, AFP đưa tin.
“Hôm nay, chúng tôi đã đưa ra một quyết định khó khăn nhưng cần thiết; và chúng tôi đang lựa chọn có trách nhiệm đối với 45.000 nhân viên của chúng tôi ở Nga, đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động của tập đoàn và khả năng trở về đất nước này trong tương lai, trong một bối cảnh khác", Giám đốc điều hành Renault Luca de Meo tuyên bố.
Renault kiểm soát 68% AvtoVAZ, nhà sản xuất ôtô lớn nhất ở Nga với thương hiệu Lada hàng đầu của nước này, nhưng đang chịu áp lực rút khỏi đất nước kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.
Phòng trưng bày xe hơi Renault ở Saint Petersburg, Nga ngày 24/3. Ảnh: Reuters. |
Nhờ AvtoVAZ, Nga là thị trường lớn thứ hai của Tập đoàn Renault sau châu Âu vào năm ngoái, với khoảng nửa triệu xe được bán ra.
Theo thỏa thuận, Renault có thể mua lại cổ phần của AvtoVAZ. Thỏa thuận cũng bao gồm nhà máy của Renault ở Moscow. Không có chi tiết tài chính nào được cung cấp.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết Renault đã quyết định đóng cửa nhà máy ở thủ đô.
"Đây là quyền của công ty, nhưng chúng tôi không thể cho phép hàng nghìn công nhân bị bỏ lại mà không có việc làm", Sobyanin nói, đồng thời cho biết ông quyết định tiếp tục sản xuất ôtô chở khách mang thương hiệu Moskvich từ thời Liên Xô.
“Vào năm 2022, chúng tôi sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử của Moskvich”, ông nói thêm. "Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hầu hết nhóm làm việc trực tiếp tại nhà máy và với các nhà thầu phụ của nó".
Kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2, Renault đã gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động của mình sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chính quyền Ukraine cũng đã gây áp lực lên Renault, đồng thời kêu gọi tẩy chay xe của hãng này cho đến khi hãng này rút khỏi Nga.