Bình luận
Trong cuộc họp báo sau trận giao hữu giữa U22 Việt Nam và đội tuyển quốc gia trên sân Việt Trì chiều 27/12, HLV Park Hang-seo tiếp tục nói về vấn đề lực lượng. "Tôi đã vận hành đội tuyển mấy năm mà chưa thấy tiền đạo nào tốt hơn Công Phượng, Đức Chinh, Tiến Linh. Ở V.League, tiền đạo ngoại đá hết rồi, tôi đảm bảo nhiều tiền đạo U22 về CLB lại dự bị vì cầu thủ ngoại đá chính", nhà cầm quân người Hàn Quốc nêu quan điểm.
Đây không phải lần đầu thầy Park "đổ lỗi" cho V.League khi không tìm được nhân sự như ý. Theo ông, VFF và VPF nên xây dựng cơ chế nào đó cho cầu thủ U21 vào sân thi đấu V.League. "Năm ngoái, giải có có 47 cầu thủ ngoại và 70% đá tiền đạo. Vậy thì tìm đâu ra tiền đạo trong nước, đặc biệt là cầu thủ trẻ?", ông nói.
Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa đưa ra xung quanh phát ngôn của thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam. Thực tế, các giải chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia luôn bị xung đột về vấn đề con người. Những nhà làm chuyên môn vẫn chưa tìm ra cách để dung hòa và giải bài toán này. Song, nhìn vào điều lệ và những gì đang diễn ra, chúng ta có thể đặt kỳ vọng giải hạng Nhất quốc gia sẽ làm thầy Park hài lòng.
Nhìn từ Hữu Thắng
Tiền vệ sinh năm 2000 có mùa giải thành công với sự phát triển vượt bậc. Hình ảnh cầu thủ số 10 của U22 Việt Nam khiến đàn anh chật vật trong 2 trận đấu vừa qua là tiêu biểu.
Trong màu áo CLB Bình Định, cầu thủ trưởng thành từ lò Viettel là nòng cốt để cùng thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng giành ngôi vô địch giải hạng Nhất. Hữu Thắng ra sân 14/16 trận ở hạng Nhất. Anh có 6 bàn thắng, bằng 1/5 số pha lập công ở đội bóng đất võ. Với những gì đã thể hiện, cầu thủ gốc Huế được CLB Viettel điền tên vào danh sách đăng ký tại V.League 2021.
Trước khi được CLB Bình Định mượn về và nằm trong chiến lược thăng hạng của HLV Đức Thắng, Hữu Thắng cũng được cho CLB Huế mượn và thi đấu tại hạng Nhất 2019. Song, anh chơi không quá ấn tượng, thậm chí kém nổi bật hơn người bạn thân Trần Danh Trung.
Hữu Thắng đang có những bước phát triển vượt bậc sau 2 mùa chơi ở hạng Nhất. Ảnh: Việt Hùng. |
Tới mùa giải vừa qua, khi Danh Trung nằm trong danh sách đăng ký của nhà đương kim vô địch Viettel và không có nhiều cơ hội vào sân, thì Hữu Thắng thường xuyên được thi đấu và có những bước phát triển đáng kể.
Một trường hợp khác có thể kể đển là Quang Hải. Trước khi khoác áo CLB Hà Nội T&T từ mùa giải 2016 và nhanh chóng trở thành tiền vệ hàng đầu Việt Nam, anh cũng từng làm mưa làm gió tại giải hạng Nhất trong màu áo CLB Hà Nội.
Trước đó, Quang Hải từng được HLV Phan Thanh Hùng, khi còn dẫn dắt đội bóng thủ đô, đưa lên tập luyện cùng đội một. Chỉ thời gian ngắn sau, nhà cầm quân người Đà Nẵng đã trả Quang Hải về đội trẻ. Lý do rất đơn giản là Quang Hải chưa đủ năng lực.
"Tôi chưa bao giờ đánh giá thấp tài năng của Quang Hải và luôn nói cậu ấy là nhân tài, nhưng phải làm sao để Hải có thể phát triển được. Nếu cứ liều lĩnh sử dụng cậu ấy ở V.League, tôi e rằng Hải sẽ bị thui chột tài năng". ông Hùng chia sẻ cùng Zing về câu chuyện quá khứ.
Hạng Nhất là một trong những giải pháp
HLV Park Hang-seo nhận định các cầu thủ trẻ, đặc biệt ở vị trí tiền đạo, không có đủ khả năng và cũng không được tạo điều kiện tại V.League. Lý do của việc này thực ra khá dễ hiểu. Giải vô địch quốc gia chưa bao giờ thiếu đi tính khốc liệt và ở cuộc đua dài hơi và trình độ cao, các đội bóng phải ưu tiên sử dụng nhân sự tốt nhất nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu.
Ngoại binh chỉ là một yếu tố trong tổng hòa nhiều vấn đề của các đội bóng V.League. Việc quy định sử dụng 3 ngoại binh đã được áp dụng từ lâu, sau nhiều lần nghiên cứu rồi thay đổi. Điều đó cho thấy số lượng khống chế nói trên được coi là hợp lý nhất, vừa đảm bảo tính hấp dẫn (kéo theo sức hút, nguồn tài trợ... ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề kinh tế của mỗi CLB), vừa tạo điều kiện cho các cầu thủ nội nhiều hơn so với quy định tối đa 5 cầu thủ ngoại trước đây.
Ở hạng Nhất, quy định còn ngặt nghèo hơn khi các đội bóng chỉ được phép đăng ký tối đa một cầu thủ nhập tịch. Điều đó đồng nghĩa mỗi đội, ở mỗi trận đấu, buộc phải sử dụng tối thiểu 10 cầu thủ Việt Nam. So với V.League, số lượng cầu thủ nội tăng đáng kể.
Trước khi bay cao ở V.League, Quang Hải từng có thời gian rèn luyện ở giải đấu cấp dưới. Ảnh: Minh Chiến. |
"Trong nhiều năm, những nhà làm bóng đá đã xoay xở nhiều cách. Đến nay, chưa thể nói là đúng tuyệt đối, nhưng những quy định hiện nay có thể nói là phù hợp nhất định với những điều kiện của V.League hiện nay. Nó tạo điều kiện cho phát triển cầu thủ trẻ, xa hơn là một bước đệm cho nhân sự đội tuyển, và nó cũng phù hợp với tình trạng kinh tế của các đội bóng", bình luận viên Quang Tùng bày tỏ quan điểm trong cuộc trao đổi cùng Zing.
Chất lượng và tính khốc liệt ở hạng Nhất cũng khó có thể so sánh với V.League. Và ở môi trường ít tính cạnh tranh hơn, cơ hội của các cầu thủ trẻ rõ ràng được tăng lên nhiều hơn. Nhìn cách CLB Phố Hiến sử dụng nòng cốt gồm nhiều cầu thủ sinh năm 1997 trở về sau và có vị trí thứ 4 chung cuộc ở mùa giải vừa qua, có thể thấy cầu thủ trẻ hoàn toàn đủ năng lực để chơi sòng phẳng ở giải đấu đứng thứ 2 trong thang xếp hạng các giải bóng đá Việt Nam.
Theo BLV Quang Tùng, quy định về lực lượng tại hạng Nhất hiện nay đang tạo điều kiện để các đội bóng, các trung tâm đào tạo trẻ kiểm tra thành quả đào tạo. Một hướng khác, đây chính là nơi trau dồi tốt cho những cầu thủ tiềm năng. "Các đội bóng khó có thể sử dụng hết lực lượng trẻ và việc cho mượn ở các giải đấu thấp hơn là hướng đi đúng đắn. Sau thời gian rèn luyện, những cầu thủ này có thể được gọi trở về phục vụ đội bóng chủ quản, hoặc được giải quyết theo cách nào khác", bình luận viên này nói.
"Không phải cầu thủ nào 19, 20 tuổi cũng đủ sức chinh chiến ở V.League. Song, khi họ có một hoặc hai năm đá ở hạng dưới, đủ sự chín chắn và phát triển, hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng ở giải vô địch quốc gia. Đó là cách nhiều đội bóng vẫn làm từ xưa. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại, đó có phải là cách làm tốt nhất chưa".
Theo bình luận viên lão làng này, vấn đề cốt lõi, cần giải quyết là các CLB có xây dựng được hệ thống đào tạo trẻ, làm chân đế hay không. Thực tế, bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi mô hình kim tự tháp ngược. "Vấn đề khác cũng quan trọng không kém là việc sử dụng con người mà trường hợp Hữu Thắng là điển hình", BLV Quang Tùng nói.
"Mùa giải 2019, cậu ấy còn không nổi bật bằng Danh Trung khi cả hai cùng khoác áo CLB Huế. Sang năm 2020, Danh Trung được gọi về Viettel và không được thi đấu nhiều. Có thể nói tiền đạo này đang giậm chân tại chỗ. Ngược lại, Hữu Thắng có bước phát triển mạnh mẽ khi được HLV Đức Thắng trao cơ hội và có những điều chỉnh trong suốt quá trình thi đấu trong màu áo CLB Bình Định".