Theo South China Morning Post, hàng nghìn người đã tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, trong ngày 25/7. Họ đến xem nhân viên của cơ quan ngoại giao Mỹ thu dọn và chuẩn bị rời đi trước hạn chót mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đặt ra là 10h ngày 27/7.
An ninh được siết chặt bên ngoài tòa nhà. Tuyến đường trước cửa lãnh sự quán đã cấm xe cộ qua lại. Ít nhất 3 xe tải và 1 xe buýt được nhìn thấy đến rồi rời khỏi khu nhà. Nhiều nhân viên ra vào tòa nhà với các hộp giấy và hồ sơ.
Huy hiệu của cơ quan lãnh sự trên tòa nhà chính đã được gỡ bỏ. Một số xe gắn máy chất đầy đồ đạc rời khỏi lãnh sự quán Mỹ. Nhân viên dọn dẹp cũng mang bỏ nhiều túi đen, có thể chứa tài liệu không mang thông tin nhạy cảm.
Một số người chạy xe máy mang nhiều đồ dùng ra khỏi lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Ảnh: South China Morning Post. |
Trung Quốc thông báo cho đại sứ quán Mỹ, yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô vào sáng 24/7. Đây là đòn trả đũa ngoại giao sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa tổng lãnh sự quán ở Houston, Texas.
Từ chiều 24/7, an ninh đã được tăng cường tại khu vực xung quanh lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Theo South China Morning Post, có hàng chục cảnh sát mặc thường phục lẫn đồng phục ngành được bố trí tuần tra. Mọi tuyến đường cạnh khu nhà đều bị cấm xe và chỉ cho người đi bộ qua lại.
Wang Dayou nói anh và con trai đi tàu điện ngầm nửa tiếng từ đầu bên kia thành phố để đến xem lãnh sự quán Mỹ đóng cửa. Anh nói chuyến đi là để con trai "hiểu về nhân quả". Anh cũng lo ngại về tương lai như công dân phải sơ tán hoặc thậm chí là xung đột, nhưng hy vọng mọi chuyện sẽ không đi xa đến vậy.
Cảnh sát cho biết có một trường hợp đốt pháo đã bị nhắc nhở. Tuy nhiên, phần lớn người dân đến xem giữ thái độ ôn hòa. Mọi người còn chấp nhận đội mưa để xem tòa nhà. Một số người chụp hình và quay phim nhưng bị nhắc nhở.
Người dân Trung Quốc đến xem lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô đóng cửa. Ảnh: South China Morning Post. |
Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV còn phát hình trực tiếp bên ngoài lãnh sự quán Mỹ. Tính đến đêm 24/7, đường liên kết này đã có 45 triệu lượt xem, 4 triệu lượt thích và 451.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc.
Cheng, 62 tuổi, sống đối diện lãnh sự quán Mỹ, nói lần gần nhất có nhiều người tập trung tại khu vực này đến vậy là vào năm 1999. Đó là năm máy bay Mỹ ném bom trúng đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade trong chiến tranh Nam Tư. Lần thứ hai là năm 2012, khi cựu giám đốc sở cảnh sát Trùng Khánh Vương Lập Quân xin tị nạn và tố cáo Bạc Hy Lai, khi đó là bí thư Trùng Khánh, tham nhũng và lạm quyền.