Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng không Việt sẽ tiếp tục 'đi một chân' trong bao lâu?

Dịch Covid-19 đã khiến các hãng hàng không Việt gần như mất hoàn toàn doanh thu vận chuyển hành khách bay quốc tế, vốn chiếm khoảng 50% doanh thu.

Theo số liệu từ Cục Hàng không, trong tháng 5, lượng khách di chuyển trên các đường bay quốc tế của hàng không Việt đã giảm 97,6% so với cùng kỳ 2019. Dịch Covid-19 đã gần như cắt đứt hoàn toàn doanh thu từ thị trường quốc tế của hàng không Việt Nam trong giai đoạn tháng 2 tới tháng 5.

Dù thị trường hàng không nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, lượng khách bay nội địa đã phục hồi ở mức 43,4% so với cùng kỳ, việc mở lại các đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng.

Có thể dần phục hồi từ tháng 7

Theo nhận định từ báo cáo phân tích mới nhất của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đơn vị này cho rằng các chuyến bay quốc tế có thể từng bước được nối lại trong quý III, với du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất.

bao gio mo duong bay quoc te anh 1

Dịch Covid-19 đã khiến các hãng hàng không Việt gần như mất hoàn toàn doanh thu vận chuyển hành khách bay quốc tế, vốn chiếm khoảng 50% doanh thu. Ảnh: Ngô Minh.

BVSC cũng ước tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sẽ sụt giảm khoảng 69% so với năm 2019 và dần phục hồi từ 100.000 lượt khách/tháng vào tháng 7 đến mức 600.000 lượt khách/tháng vào tháng 12.

Hiện theo số liệu từ Cục Hàng không, lượng khách quốc tế của thị trường hàng không Việt trong tháng 5 đã đạt mức 78.000 lượt khách, cho thấy con số 100.000 lượt khách vào tháng 7 theo ước tính của BVSC là khả thi.

Tại hội thảo mới đây về kích cầu hàng không sau dịch, đại diện các hãng hàng không đều bày tỏ mong muốn sớm được nối lại các chuyến bay quốc tế, trước mắt là với những quốc gia có công tác chống dịch tốt.

Ông Trương Phương Thành, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng cần mở cửa lại bầu trời, "làm cách nào nối lại du lịch quốc tế, mở cửa để khách quốc tế đến Việt Nam và ngược lại". Các quốc gia được nhắc tới trong nhóm có thể sớm nối lại đường bay bao gồm Australia, New Zealand, Thái Lan.

Tuy nhiên theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, việc Việt Nam mở lại đường bay quốc tế với các quốc gia cần được thực hiện hai chiều. Chuyên gia này kiến nghị Bộ Ngoại giao đứng ra làm đầu mối, để làm việc với các nước được lựa chọn.

Cuối tháng 5, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không nghiên cứu, báo cáo lại Bộ việc nối lại một số đường bay quốc tế nhằm phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương. trên cơ sở song phương trước ngày 10/6 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Từng là mỏ vàng đóng góp nửa doanh thu

Nói về tầm quan trọng của thị trường bay quốc tế, ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cho biết thị trường quốc tế chiếm gần 50% doanh thu trong ngành du lịch Việt Nam.

Với riêng Vietjet Air, doanh thu vận tải hàng không từ thị trường quốc tế thậm chí còn vượt doanh thu từ thị trường nội địa. Cụ thể, theo báo cáo thường niên 2019 của Vietjet Air, doanh thu vận tải hàng không nội địa của hãng đạt 10.753 tỷ đồng trong khi doanh thu từ thị trường quốc tế của hãng đạt tới 14.692 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng doanh thu vận tải hàng không.

bao gio mo duong bay quoc te anh 2

Bay quốc tế là giải pháp được các hãng hàng không Việt lựa chọn trong năm 2019 trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa, hạ tầng quá tải. Ảnh: Hoàng Hà.

Với Vietnam Airlines, trong 22,9 triệu lượt khách hãng vận chuyển năm 2019, có 8,2 triệu lượt khách đến từ các đường bay quốc tế với lợi nhuận mỗi lượt khách cao hơn thị trường nội địa.

Cũng trong năm 2019, Vietnam Airlines liên tục mở thêm các đường bay quốc tế tới các điểm đến trong khu vực, đặc biệt là thị trường Đông Bắc Á. Hãng ra mắt nhiều đường bay mới đi Macao, Thâm Quyến (Trung Quốc) hay Busan (Hàn Quốc). Vietnam Airlines cũng ra mắt nhiều đường bay Đông Nam Á, nối Việt Nam và Bangkok, Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia).

Vietjet Air cũng ra mắt đường bay thẳng nối Việt Nam với thị trường 1,3 tỷ dân Ấn Độ trong nửa cuối 2019 cũng như nhiều thông tin về kế hoạch bay thẳng Australia cũng hãng được truyền thông quốc tế quan tâm.

Bamboo Airways cũng hé lộ kế hoạch bay quốc tế ngay trong năm thứ 2 vận hành. Hãng đã lên kế hoạch thiết lập đường bay tới Bangkok, Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Siem Reap (Campuchia) và xa hơn là Munich (Đức), Praha (Séc), Australia hay thậm chí là bay thẳng Mỹ. Tuy nhiên tham vọng này của Bamboo Airways cũng đang gặp khó vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.

Về vấn đề nối lại các đường bay quốc tế, ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay Việt Nam sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Cho tới khi các đường bay quốc tế được mở lại, hàng không Việt vẫn buộc phải chịu cảnh mất một nửa nguồn thu.

Cho Vietnam Airlines vay ưu đãi 12.000 tỷ, cần nhưng phải đúng luật

Ủng hộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng các điều kiện cụ thể như mức vay, lãi suất vay và thời hạn cho vay cần được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm