Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nên được thực hiện theo các gói hỗ trợ chung của Chính phủ.
Bộ cũng cho rằng cần xem xét những giải pháp ưu tiên để xử lý kịp thời, những giải pháp dài hạn phải được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng, để không gây ra các tác động tiêu cực với nền kinh tế, ngân sách Nhà nước và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Bộ KH-ĐT đánh giá gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines là cần thiết, nhưng cần được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ảnh: HVN. |
Đánh giá đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc cho Vietnam Airlines vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng không tính lãi với thời hạn tối thiểu 3 năm từ gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, Bộ KH-ĐT nhận định đây là biện pháp cần thiết để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng các điều kiện cụ thể như mức vay, lãi suất vay và thời hạn cho vay cần được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Với ngành hàng không nói chung, Bộ KH-ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện tại, tính đến hết 2020 để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không sau dịch.
Trước đó, thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020 để bổ sung dòng tiền nhằm vượt qua khủng hoảng Covid-19. Hỗ trợ này được đề xuất thực hiện dưới dạng cho vay lãi suất 0% trong thời hạn tối thiếu 3 năm.
Theo báo cáo tài chính quý I của Vietnam Airlines, hãng ghi nhận lỗ 2.600 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỷ đồng của cả năm 2019.
Với mức lỗ lớn, dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines âm 3.800 tỷ đồng khi doanh nghiệp phải tăng chi tiền mặt cho các khoản phải trả. Dù đã bổ sung dòng tiền tài chính từ đi vay, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của doanh nghiệp vẫn âm 500 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cuối tháng 3 của Vietnam Airlines còn lại 2.500 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước là 7.500 tỷ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn 3.300 tỷ đồng đang gửi có kỳ hạn ở ngân hàng.