Trong phiên giao dịch khai xuân Canh Tý hôm nay (30/1), cổ phiếu ngành hàng không là nhóm bị nhà đầu tư bán tháo mạnh nhất với hàng loạt cổ phiếu giảm sâu.
Cổ phiếu 2 hãng hàng không Việt đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay đều giảm mạnh. Cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng không Vietjet giảm 6.500 đồng (4,4%) thị giá, xuống mức 140.000 đồng/cổ phiếu.
Thậm chí, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) còn giảm kịch biên độ gần 7% trong phiên hôm nay, hiện có giá 30.550 đồng/cổ phiếu.
Với mức giảm giá này, vốn hóa hai hãng hàng không Việt đã “bốc hơi” trên 3.000 tỷ đồng trong phiên khai xuân hôm nay.
Không chỉ cổ phiếu hãng hàng không, nhiều doanh nghiệp phụ trợ trong ngành này cũng chịu chung cảnh giảm giá mạnh vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc virus corona bùng phát thời gian qua.
Các hãng hàng không và doanh nghiệp phụ trợ trong ngành bị ảnh hưởng trực tiếp do virus corona bùng phát. Ảnh minh họa: GettyImages. |
Trong đó, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - “ông chủ” của 21/22 sân bay tại Việt Nam cũng giảm 3.600 đồng (5,29%). Ước tính, doanh nghiệp này đã mất hơn 7.800 tỷ đồng vốn hóa trong ngày.
Tương tự, cổ phiếu SAS của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất cũng giảm 3,4%; cổ phiếu AST của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco giảm 3,45%...
Trên thị trường thế giới, cổ phiếu hàng không cũng là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch cúm virus corona bùng phát. Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc nhóm casino, bán lẻ, và dịch vụ nhà hàng cũng chịu tác động tiêu cực.
Tại Việt Nam, trong phiên hôm nay, cổ phiếu RIC của Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia - chủ sở hữu casino cùng tên tại Hạ Long (Quảng Ninh) cũng giảm kịch biên độ gần 7%.
Hầu hết lượng khách tới chơi tại casino này đều là khách Trung Quốc. Việc bị hạn chế các đoàn khách du lịch nước này tới Việt Nam trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của casino.
Chứng khoán trong nước hôm nay cũng chứng kiến diễn biến tương tự trên thế giới khi cổ phiếu y tế, dược phẩm là nhóm hưởng lợi nhất.
Như trường hợp CTCP Sản xuất KD Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV) đã tăng 6,4%; CTCP Dược Hậu Giang (DHG) tăng 5,7%; Tổng CTCP Y tế Danameco (DNM) tăng 7,1%... Thậm chí, cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật và SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương còn tăng kịch biên độ trong hôm nay.
Đáng nói, nhóm cổ phiếu này chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực dược nhưng nhiều đại diện đang hoạt động trong tình trạng thua lỗ và kém hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp cũng không hề sản xuất hay thực hiện điều chế vắc xin, doanh thu từ các sản phẩm phụ trợ như khẩu trang, dụng cụ y tế cũng không đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh.
Trong phiên giao dịch đầu tiên sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài 7 ngày, chứng khoán Việt đã có phiên giảm mạnh khi VN-Index giảm 31,88 điểm (3,22%), đóng cửa ở mức 959,58 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng giảm 2,17 điểm (2,04%), đóng cửa ở mức 104,11 điểm.
Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chứng khoán Việt kể từ đầu năm 2019 đến nay.
Phiên sáng nay cũng là lần đầu sau nhiều năm thị trường chứng khoán mới giảm mạnh phiên giao dịch đầu tiên của năm mới âm lịch. Trong 4 năm gần nhất, phiên giao dịch đầu tiên của năm mới âm lịch luôn ghi nhận đà tăng của chỉ số VN-Index cũng như HNX-Index.