Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng”.
Trong tháng 1, 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,29%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 6,43% so với tháng 1/2019, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Xếp sau là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%. Cơ quan thống kê cho hay nhu cầu sửa chữa nhà cuối năm làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,64% và giá dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,71%.
Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,03%.
Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 0,76% so với tháng 12/2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 22/1 tăng 5,1% so với tháng 12/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 1 tăng 4,37% so với tháng trước và tăng 18,64% so với cùng kỳ năm 2019.
“Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do ảnh hưởng của việc đàm phán Mỹ - Triều Tiên về hạt nhân, Anh rời khối Liên minh châu Âu vào tháng tới, căng thẳng giữa Mỹ và Iran...”, Tổng cục Thống kê lý giải.
Tháng 1, tỷ giá đồng USD cũng tăng 0,02% so với tháng 12/2019 và giảm 0,35% so với cùng kỳ năm 2019.