Đổi tiền mới: Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường đổi tiền mới càng thêm sôi động. Trên các trang mạng xã hội, mức phí đổi tiền lẻ ứng với mỗi mệnh giá dao động 8-30%. Cá biệt, phí đổi tiền mệnh giá 500 đồng lên tới 70%, tức đổi 1 triệu đồng tiền 500 đồng thì chỉ nhận lại 300.000 đồng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cắt tóc: Cận Tết, tiệm cắt tóc nam của anh Toàn (24 tuổi, quận Hà Đông) mỗi ngày đón khoảng 150 khách (có 6 thợ cắt tóc). Nếu chỉ tính riêng tiền cắt tóc giá 60.000 đồng/người, anh Toàn nhẩm tính doanh thu của quán ước khoảng 9 triệu đồng/ngày. Giờ cao điểm, khách hàng thậm chí phải chờ vài tiếng đồng hồ mới tới lượt. Ảnh minh họa. |
Trông giữ chó, mèo: Cứ đến gần Tết, khách sạn thú cưng lại trong tình trạng “cháy phòng”. Giá phòng được tính tùy vào cân nặng của thú cưng và chất lượng, dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng với hạng thường. Trong khi đó, loại phòng VIP có giá từ 300.000 đồng, phải cọc tiền và đặt phòng trước Tết. |
Giặt là: Lượng đơn hàng giặt là tại tiệm của chị Nguyễn Oanh (32 tuổi, Cầu Giấy) tăng gấp 7 lần ngày thường. Chị Oanh cho biết các máy giặt đang chạy hết công suất để kịp trả khách. “Đa phần khách muốn giặt quần áo mặc Tết, cũng có nhà giặt chăn bông rồi cho vào túi nylon đem cất”, chị Oanh nói và cho biết cửa hàng chị sẽ làm đến 30 Tết. Ảnh: Liêu Lãm. |
Rửa xe: Những ngày giáp Tết, các tiệm rửa xe máy, ôtô tăng giá gấp 2-3 lần ngày thường, nhưng vẫn luôn trong tình trạng tấp nập. Với giá rửa trung bình 20.000 đồng/xe máy, 100.000 đồng/ôtô, dịch vụ này kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Dọn nhà: Cuối năm, mọi người tất bật với công việc, sắm Tết mà ít có thời gian dọn dẹp nhà cửa. Chính vì thế, dịch vụ dọn nhà theo giờ được nhiều gia đình lựa chọn. Trước đây, gia chủ chỉ cần bỏ ra khoảng 50.000 đồng/giờ để thuê người về dọn thì nay giá dao động 100.000-150.000 đồng. Thậm chí, đối với một số đồ như ghế sofa, tủ lạnh, chủ nhà phải chi thêm tiền. |