Còi báo động vang lên lúc 11h ngày 10/9 và đồng loạt tắt 20 phút sau đó, theo Guardian.
“Tôi nổi da gà”, Lotte, nhân viên chuyển phát bưu điện 52 tuổi, nói khi còi báo động vang lên ở Potsdam. “Đồng thời tôi cũng yên tâm vì còi báo động vẫn hoạt động. Và thật tốt khi dạy cho những người trẻ tuổi biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp".
Trước buổi diễn tập, cơ quan chức năng đã thông báo cho các trường học, viện dưỡng lão và nơi tạm trú cho người xin tị nạn vì lo ngại tiếng còi báo động có thể khiến nhóm đối tượng ở những cơ sở này hoảng sợ.
Christoph Unger, Chủ tịch Văn phòng Liên bang về Bảo hộ Dân sự và Cứu trợ Thảm họa (BBK), cho biết: “Người dân chúng tôi rất thiếu cảnh giác, không giống như trong thời Chiến tranh Lạnh".
Bảng điện tử hiện thông điệp cảnh báo trong buổi diễn tập ứng phó thảm họa ở Đức hôm 10/9. Ảnh: AP. |
Cảnh báo cũng được phát đi thông qua thông báo trên điện thoại thông minh và hiển thị trên bảng quảng cáo kỹ thuật số.
Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, có khoảng 86.000 còi báo động trên khắp nước Đức. Phần lớn đã bị tháo dỡ vào năm 1991 nhưng vẫn tồn tại ở nhiều thành phố.
“Chúng tôi biết rằng nhiều còi báo động không hoạt động”, một phát ngôn viên của BBK nói với Guardian sau cuộc diễn tập và cho biết thêm BBK sẽ cải thiện hệ thống này.
Theo BBK, hệ thống còi báo động phục vụ cho các trường hợp khẩn cấp, từ tai nạn sinh hóa đến cháy rừng, lũ lụt, tấn công khủng bố và bụi phóng xạ hạt nhân.